Khuya 15-9, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát hiện một cơ sở dùng hóa chất để ngâm rau muống bào với số lượng lớn. Hóa chất có độ bám chặt, khi dính vào cơ thể rất khó tẩy rửa.
Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu kiểm tra cơ sở bà Tròn. Ảnh: Quỳnh Giang. |
Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) và một số ngành chức năng đã phối hợp bắt quả tang cơ sở chế biến rau muống của bà Trần Thị Tròn, tổ 3, khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa đang dùng hóa chất để ngâm rau muống bào.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Tròn và hai công nhân đang sơ chế rau muống theo quy trình: rau muống sau khi đưa vào máy để bào nhỏ sẽ ngâm vào hai chậu nước đã trộn lẫn các hóa chất màu xanh.
Đây là hóa chất mang nhãn hiệu nhập ngoại, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Theo quan sát, rau muống sau khi ngâm vào các chậu nước trộn lẫn hóa chất có sẽ ra màu xanh, tươi hơn. Vào thời điểm kiểm tra, cơ sở bà Tròn đã bào khoảng 200 kg rau muống, đang đổ trên nền nhà. Và còn lượng rau muống chưa qua sơ chế.
Hóa chất màu xanh dùng để pha với nước ngâm rau muống bào. Ảnh: Quỳnh Giang. |
Rau muống sau khi bào, ngâm hóa chất đổ trên nền nhà, chờ đem đi tiêu thụ tại cơ sở bà Tròn - Ảnh: Quỳnh Giang. |
Cơ quan chức năng cũng thu giữ một bịch chất bột màu xanh cùng nhiều xô, lọ đựng các dung dịch màu xanh xung quanh cơ sở này. Các dung dịch này có độ bám rất chặt, khi dính vào cơ thể rất khó tẩy rửa.
Chủ cơ sở này cho biết, rau muống nguyên liệu và các hóa chất trên được mua ở TP.HCM. Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300 kg rau muống bào rồi chở đến bán tại chợ đầu mối Bà Rịa.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Trần Thị Tròn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các hóa chất. Cơ sở này cũng không có giấy đăng ký kinh doanh. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thu giữ hóa chất và các mẫu nước được cơ sở dùng để ngâm rau muống để giám định. Riêng số rau muống đã thành phẩm, cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy.
Được biết, xung quanh khu vực cơ sở của bà Tròn còn có nhiều cơ sở khác cũng làm nghề chế biến, bào rau muống. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.