Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cách cân bằng sinh thái

Văn Định| 14/05/2011 06:59

(HNM) - Trong thời gian qua, tình trạng lún sụt mặt đường ở TP Hồ Chí Minh liên tục diễn ra, nhất là sau những cơn mưa. Điều này một phần là do tình trạng khai thác nước ngầm trái phép. Vấn đề này đang đặt ra cho thành phố nhiều việc cần phải làm, nhưng trước mắt là làm sao để hạn chế tình trạng thiếu nước do khai thác nước ngầm tràn lan.

Bổ sung nước mưa

Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, việc khai thác nước ngầm (bằng phương pháp công nghiệp) có độ sâu từ 90m đến 120m là khoảng 570.000m3/ngày đêm, đó là chưa kể lượng nước ngầm khai thác từ các hộ dân ở độ sâu từ 20m đến 60m với khối lượng nước mỗi ngày đêm lên đến cả chục nghìn mét khối. Với thực tế này, mực nước ngầm của thành phố ở nhiều nơi đã thấp hơn so với tiêu chuẩn tài nguyên nước quốc gia. "Theo quy định, mực nước ngầm ở tầng có độ sâu từ 90m đến 120m, thì mức nước không được vượt quá - 40m. Trong khi đó, mực nước ngầm thực tế ở độ sâu này nhiều nơi đã xuống thấp hơn quy định này"- PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết.

Mới đây, bằng phương pháp dò tìm sóng điện từ Jeorada và kết hợp với quan trắc thông qua trồi ống chống, thành phố đã phát hiện 18 điểm có dấu hiệu bề mặt bị lún sụt. Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên & Môi trường TP, ngoài biện pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, xử lý những trường hợp khai thác không đúng quy định, cần tìm kiếm một lượng nước mới để bổ sung cho lượng nước ngầm bị khai thác, hao hụt. "Trước mắt sẽ bổ sung nhân tạo nước ngầm bằng nước mưa thông qua bể chứa nước ngầm. Những tòa nhà, các cơ quan, đơn vị có diện tích lớn sẽ thực hiện xây dựng hệ thống thu gom nước mưa. Nước mưa sẽ được đưa vào hệ thống thu gom bằng đường ống, sau đó đưa qua bể lọc để đi vào hồ điều tiết, trước khi đưa xuống bể nước ngầm. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tính đến xây dựng hệ thống thu gom nước mưa qua hồ sinh thái, vừa chứa nước bổ sung cho lượng nước ngầm, vừa tạo cảnh quan", ông Nguyễn Văn Ngà cho biết.

Sẽ thu gom được 32 triệu mét khối/năm

Hiện nay phương pháp thu gom nước mưa qua bể chứa nước ngầm đang được một số chuyên gia trong lĩnh vực khoa học địa chất đưa vào nghiên cứu thử nghiệm tại ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong đó KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với diện tích mái nhà khoảng 500m2 được xây dựng một bể điều tiết 10m3 và một bể nước ngầm hấp thụ với đường kính 169mm x 53m được chia thành 2 tầng chứa nước. Theo tính toán của PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ, nếu lượng mưa có cường độ 100mm/giờ thì với diện tích thu gom là 500m2 có thể thu gom được 50m3/giờ. Như vậy, chỉ tính riêng diện tích nội thành của thành phố là 450km2, với mật độ xây dựng là 15%, trong đó khoảng 5% diện tích mái nhà lớn thì chúng ta đã có 20km2 để thu gom. Như vậy với lượng mưa bình quân của thành phố hiện nay từ 1.600mm đến 2.200mm/năm, thì mỗi năm lượng nước mưa thu gom được là trên 32 triệu mét khối để bổ sung cho lượng nước ngầm trên địa bàn. "Để bảo đảm chất lượng nước, cần đưa nước xuống bể nước ngầm ở tầng sâu từ 50m đến 60m trở lên để tránh ảnh hưởng nguồn nước thải sinh hoạt. Do vậy để bảo đảm chất lượng nước không bị ảnh hưởng, các bể chứa nước ngầm cần thiết kế có độ sâu từ 90m đến 120m" - ông Nguyễn Việt Kỳ phân tích. Mặt khác, cùng với việc yêu cầu các tòa nhà, các cơ quan, công sở xây dựng hệ thống thu gom nước mưa thì thành phố cũng nên thiết kế hệ thống thu gom này trên các tuyến đường có dải phân cách. Nếu thành phố biết tận dụng phương pháp này, mỗi năm có thể thu gom được một khối lượng lớn nước mưa để bổ sung cho lượng nước ngầm bị cạn kiệt như hiện nay.

Theo các nhà khoa học, TP Hồ Chí Minh cần sớm triển khai chiến lược 5R (bảo vệ, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, tái phân phối) nhằm bảo vệ nguồn nước, đồng thời tích cực áp dụng kỹ thuật sinh thái trong xây dựng hạ tầng, không bê tông hóa toàn bộ vỉa hè nhằm giữ nước bổ cập cho nước ngầm; giáo dục ý thức bảo tồn nước cho người dân; quy hoạch sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý… Và giải pháp cơ bản nhất nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm là vận động người dân thu gom nước mưa để sử dụng, đồng thời bổ sung nguồn nước dưới đất bằng nguồn nước mưa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cách cân bằng sinh thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.