(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được Đảng ta xác định trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII lại là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh…”. Bởi kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn; góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay...
Tiếp nối những định hướng trên, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”... Sự điều chỉnh trên là vô cùng quan trọng, cần thiết bởi thực tế cho thấy, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ biện chứng. Trong đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hạt nhân, quan trọng vì Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, với vai trò là đảng cầm quyền được Hiến pháp quy định thì Đảng còn có nghĩa vụ, trách nhiệm giới thiệu những đảng viên ưu tú ứng cử vào các vị trí chủ chốt của Nhà nước và cả hệ thống chính trị, điều hành mọi mặt hoạt động của đất nước.
Thực tiễn qua hơn 91 năm lịch sử của Đảng ta cho thấy, xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nhà nước mạnh, liêm chính, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình thì mới đưa được đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Cũng như vậy, Đảng và Nhà nước chỉ vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ khi có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hết vai trò, trách nhiệm, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hành động thực tế của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Như thế, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm đồng bộ và phù hợp.
Mặt khác, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh còn giúp cho Đảng khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển vì một Việt Nam hùng cường, khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Để làm tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bổ sung và ban hành trong thời gian tới. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế. Trong đó, xác định đẩy mạnh hơn nữa việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính các cấp. Quá trình này thực hiện đồng thời với sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị ở trung ương theo lộ trình. Ngoài ra là tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tiền lương; cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nói cách khác, gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị là cách để Đảng ta tự hoàn thiện, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 6-1968, rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân...”. Đây cũng là điều kiện để xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống thể chế nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, khai thác và phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, tận dụng các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.