(HNM) - Theo Nghị định 68/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, từ ngày 1-8 tới, các trường hợp cắt điện không báo trước sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 4 triệu đồng, thay vì 100.000 - 300.000 đồng so với trước đây.
Đã có những lúc tình trạng mất điện liên tục tại Hà Nội gây nhiều phản ứng trong dư luận. Ảnh: Trung Kiên |
Vẫn tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi
Mặc dù đang trong quá trình chờ đợi Nghị định 68 có hiệu lực với lời "nhắn nhủ" của cơ quan soạn thảo là Bộ Công thương rằng thủ tục phạt ngành điện trong trường hợp cắt điện không báo trước sẽ đơn giản, minh bạch nhưng điểm lại những "ứng xử và biện minh" của cái ngành rất quan trọng này, khách hàng không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của đề xuất này. Bởi trước đó, trong một dịp trả lời báo chí, giải thích cho việc "buộc phải" cắt điện liên tục mà không báo trước, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định: "Việc điều tiết sản lượng điện được thực hiện dựa trên sự phân bổ của tập đoàn cho các tổng công ty. Các tổng công ty dựa trên danh sách ưu tiên của UBND các tỉnh, TP để phân bổ lượng điện hợp lý. Hiện tại, kế hoạch phân bổ nguồn điện được thực hiện theo tuần, thậm chí có thời gian căng thẳng được điều chỉnh theo từng ngày. Trên thực tế, người dân phải thông cảm cho việc điều tiết, thuộc về kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên tình trạng chưa công bằng là không thể tránh khỏi. Nhiệm vụ của EVN là cố gắng tối đa mức cung cấp nguồn điện trong điều kiện có thể, trường hợp phải cắt điện là bất khả kháng".
Nhận xét về sự lý giải trên, Luật sư Nguyễn Hoàng Ân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, ngành điện có nhiều lý do biện minh cho những khó khăn thuộc diện bất khả kháng như nổ trạm, trục trặc đường dây, hỏng biến áp hoặc do phải ưu tiên các đơn vị sản xuất khác... Câu hỏi đặt ra là không ai kiểm chứng được thông tin này, ngoài ngành điện. Vậy thì các dữ liệu ngành điện đưa ra liệu đã đáng tin cậy chưa khi mà có sự cố thì chỉ trong ngành biết với nhau. Ngay cả Nghị định 68 vừa ban hành được đánh giá là "rất mới" cũng không chỉ định một cơ quan độc lập thực hiện khâu thẩm định vấn đề này, chỉ quy định "trường hợp bên phân phối điện không tiến hành xử lý sự cố để khôi phục cấp lại điện sau 2 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo về sự cố lưới điện mà không có lý do chính đáng thì bị phạt 3-4 triệu đồng". Vậy, dân biết trông cậy vào ai để kiểm định thông tin của ngành điện?
Mất điện liên tục, người dân đổ xô đi mua máy phát điện. Ảnh: Văn Chiến |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.