(HNM) - Những ngày này, người dân Thủ đô đang ra sức thi đua lập thành tích cùng nhân dân cả nước chào mừng kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013) và Ngày Quốc tế lao động 1-5.
Hà Nội ngày càng phát triển xứng tầm là Thủ đô của cả nước. Ảnh: Duy Tường |
Sinh viên Nguyễn Việt Hùng (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội): Ý thức được trách nhiệm của lớp trẻ
Là thế hệ sinh ra sau ngày 30-4-1975, chúng tôi không được chứng kiến không khí hào hùng của Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhưng những sự đổi thay hằng ngày, hằng giờ của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng trong suốt 38 năm qua rất ấn tượng. Các công trình dân sinh khang trang, hiện đại đang mọc lên, làm đổi thay bộ mặt quê hương đất nước theo hướng CNH-HĐH. Trước kia, các công trình nhà ở cao 5 - 6 tầng rất hiếm, nhưng nay các tòa nhà 25 -30 tầng đã mọc lên nhiều và có cả tòa nhà cao tới 70 tầng. Hệ thống cầu, đường giao thông, đường vành đai rộng lớn, ngang dọc, được xây dựng mới, nâng cấp thường xuyên. Chỉ riêng sông Hồng đã có 4-5 cây cầu thay thế cho duy nhất một cây cầu Long Biên được làm từ thời Pháp thuộc... Được thụ hưởng những thành quả của cách mạng, chúng tôi càng thấy trách nhiệm lớn lao của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ông Kiều Văn Thí (Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai): Nhiều chính sách ưu đãi người có công, gia đình chính sách
Sau ngày giải phóng miền Nam, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đối với người có công, gia đình chính sách; có hoàn cảnh khó khăn... Tuy nhiên, điều nhân dân cũng như những cựu chiến binh chúng tôi quan tâm là các chính sách của Đảng, Nhà nước phải được thực hiện đúng và đủ; công trình xây dựng phải bảo đảm chất lượng, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tránh lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Dân (Cao Thành, Ứng Hòa): Trông chờ vào sự gương mẫu của đảng viên
Trong các phong trào, nhất là việc thực hiện các chủ trương lớn của thành phố Hà Nội về việc phát triển kinh tế, văn hóa, người dân đều trông chờ vào đảng viên gương mẫu đi trước, làm trước. Tuy nhiên, sau học tập Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), một số cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực sự làm việc vì dân, còn tư lợi và thiếu gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ còn xảy ra đối với cán bộ chủ chốt ở một số địa phương, ban, ngành, quận, huyện làm mất lòng tin với nhân dân. Rõ ràng sự quan liêu, buông lỏng lãnh đạo và cán bộ, đảng viên thiếu sự gương mẫu sẽ làm trì trệ dần các phong trào…
Chị Đỗ Thị Xuân Phương (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức): Công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới
Trong vài năm gần đây, được nhà nước hỗ trợ, các địa phương đã xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, kênh mương kiên cố, câu lạc bộ, nhà văn hóa, công trình cấp nước sạch, làm cho bộ mặt nông thôn Hà Nội trở nên khang trang, sạch đẹp.
Người dân đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng làng quê văn minh, hiện đại, nhưng mong muốn các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch, tham khảo ý kiến người dân. Có công khai, dân mới thấy rõ công sức, của cải của mình đóng góp có mang lại hiệu quả hay không. Từ đó dân tin, dân phấn khởi và sẵn sàng đóng góp khi được huy động làm công trình mới.
Ông Nguyễn Tiến Hải (Khu TĐC Nam Trung Yên, Cầu Giấy): Quan tâm đến chất lượng sống của các hộ dân tái định cư
Trong vòng 20 năm trở lại đây, diện mạo Thủ đô thay đổi rất nhiều: Hàng loạt các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, thể thao - văn hóa, những tuyến đường mới được xây dựng, mở rộng... Đời sống người dân cũng được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, mong rằng thành phố cũng cần quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt là chất lượng sống của các hộ dân tái định cư như chúng tôi. Tình trạng thang máy hỏng, chất lượng công trình xuống cấp: Tường ẩm, nứt, gạch lát bong rộp, hành lang nhem nhuốc, bốc mùi xú uế, rác thải bủa vây... là thực trạng đang diễn ra tại Khu TĐC Nam Trung Yên.
Ông Cấn Đỗ Hiệp (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai): Tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất
Hà Nội phát triển từng ngày, đời sống của người dân từng bước nâng lên có phần đóng góp không nhỏ của nhân dân khu vực ngoại thành. Mặc dù đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị nhưng được sự hỗ trợ kịp thời của thành phố thông qua các chính sách hỗ trợ giống, vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật… nông dân Thủ đô đã đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Đặc biệt, trong hai năm (2012-2013), Hà Nội đã đạt được những thành công bước đầu trong việc dồn điền, đổi thửa. Từ đồng đất manh mún, nhỏ lẻ, nay được canh tác trên mảnh ruộng lớn, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, để giảm được nhiều chi phí, công sức trong sản xuất, điều mà người nông dân mong muốn nhất bây giờ là thành phố tạo điều kiện hơn nữa để người dân sớm đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu cày bừa, cấy lúa đến thu hoạch. Hiện nay, đa phần nông dân mới chỉ thuê cày bừa bằng máy, còn việc cấy, gặt vẫn làm thủ công nên khá vất vả...
Anh Phùng Tuấn Anh (phố Ngọc Lâm, Long Biên): Đời sống tinh thần của người dân được quan tâm chu đáo
Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào ngày thường, cách kỳ nghỉ cuối tuần một ngày. Nếu cứ nghỉ theo đúng quy định thì người lao động sẽ đi làm cách nhật, một ngày làm, hai ngày nghỉ. Việc Bộ LĐ-TB&XH sắp xếp hoán đổi ngày nghỉ trong dịp này nhằm bảo đảm công việc liền mạch vào tuần kế tiếp và còn tạo ra một kỳ nghỉ dài cho một bộ phận đông đảo cán bộ, công chức, viên chức. Với 5 ngày nghỉ, nhiều gia đình, hội nhóm đã lên kế hoạch du lịch và nghỉ dưỡng. Đây không chỉ là cơ hội kích cầu dành riêng cho ngành du lịch hay các đơn vị kinh doanh dịch vụ, giải trí mà thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần của người lao động.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (cựu chiến binh phường Hàng Bột, quận Đống Đa): Cần phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua khó khăn
Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30-4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Do vậy, không chỉ những cựu chiến binh như chúng tôi mà tất cả những người Việt Nam đều quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 20 năm đất nước đổi mới. Tôi cho rằng, đất nước phát triển được như ngày nay, một phần nhờ tinh thần chiến thắng 30-4 cổ vũ. Chính ý chí quyết chiến, quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển, giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.