(HNM) - Ở thời điểm này, để có thể định hướng cho việc dạy và học, điều được nhiều người quan tâm là cấu trúc đề thi trong năm đầu tiên thực hiện kỳ thi
Thi ở cụm nào cũng có cơ hội học đại học
Sự băn khoăn của các thầy, cô giáo và phụ huynh, HS trong suốt một tháng qua, kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi, nay đã được giải tỏa phần nào. Theo Bộ GD-ĐT, sẽ không có sự phân biệt lớn giữa hai đối tượng thí sinh (TS) - những người thi tại cụm thi ở địa phương và những người thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, những TS dự thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH theo Đề án tuyển sinh riêng, chỉ có điều là ít có cơ hội hơn vì phụ thuộc vào quy định của từng trường. Do đó, TS có nguyện vọng cần theo dõi thông tin về Đề án tuyển sinh riêng của các trường để đăng ký tuyển sinh, tận dụng cơ hội học ĐH. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ mở thêm nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì (so với năm 2014 là 4 cụm thi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TS có hoàn cảnh khó khăn có thể dự thi, đem đến cho họ nhiều cơ hội học ĐH.
Thí sinh làm thủ tục tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: Viết Thành |
Thẩm quyền quyết định việc chọn môn thi thay thế cũng được xác định rõ: "Giám đốc Sở GD-ĐT căn cứ quy định của quy chế thi và thực tế của địa phương để báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định việc chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ" chứ không mập mờ như trước. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những TS chưa được học ngoại ngữ, hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, mà được chọn môn thi thay thế. Những điều kiện học không bảo đảm chất lượng cụ thể là: Giáo viên chưa đạt chuẩn về năng lực, việc thực hiện chương trình không liên tục, do HS chuyển trường nên phải học đổi môn ngoại ngữ… Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi. Lo lắng về tình trạng sử dụng chứng chỉ bừa bãi, thiếu chất lượng để được miễn thi môn ngoại ngữ cũng được loại trừ khi Bộ GD-ĐT khẳng định là sẽ có quy định rõ ràng, công bố rộng rãi điều kiện của các loại chứng chỉ có chất lượng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng "bật mí" rằng, việc cho phép TS chọn môn thi thay thế ngoại ngữ chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, đây sẽ là môn thi bắt buộc.
Điểm mới ở kỳ thi năm 2015 là TS sẽ dự thi trước, sau đó mới đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ, thay vì đăng ký rồi mới thi như cách thức hiện hành. Để hạn chế tình trạng "TS ảo", các trường ĐH, CĐ chỉ được tổ chức xét tuyển trong 2-3 đợt. Số lượng nguyện vọng trong mỗi đợt của mỗi TS sẽ được quy định tại quy chế tuyển sinh.
Vừa dạy học, vừa ngóng cấu trúc đề thi
|
Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của các nhà trường và HS là cấu trúc đề thi sẽ được xây dựng ra sao để có thể giúp HS làm quen với dạng đề thi tương tự. Tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT mới chỉ định hướng chung rằng: Đề thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ bao gồm các câu hỏi từ dễ đến khó để phân hóa trình độ TS.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Các nhà trường được yêu cầu tổ chức dạy và học theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THPT do Bộ GD-ĐT ban hành, trong đó lưu ý đến việc cho HS làm quen với các dạng đề mở, đề có yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tế. Việc định hướng dạy học, cách tiếp cận nội dung từng môn học sẽ được triển khai cụ thể tới các nhà trường sau khi Bộ GD-ĐT thông báo về cấu trúc đề thi. Cũng theo ông Phạm Hữu Hoan, như mọi năm, Bộ GD-ĐT thường thông báo cấu trúc đề thi vào cuối tháng 3, khi công bố môn thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, các môn thi đã được quy định từ đầu năm học. Việc ban hành cấu trúc đề thi sớm không chỉ tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy - học, mà còn giúp HS yên tâm vững tin trước kỳ thi có nhiều điểm mới.
Còn tại các nhà trường, dường như sự định hướng về đề thi cho kỳ thi "2 trong 1" của cấp quản lý chưa giúp ban giám hiệu, giáo viên các trường bớt lo lắng. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã hoàn thành việc khảo sát sơ bộ việc lựa chọn môn thi và khối thi của HS để có căn cứ tổ chức dạy học, ôn tập. Trong số 315 HS lớp 12, có hơn 70% chọn thi môn địa lý, chỉ có gần 8% chọn môn lịch sử. Khối D có số lượng HS chọn theo nhiều nhất, lý do là có khá nhiều HS đã điều chỉnh nguyện vọng theo phương án thi mới (với ba môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ) để giảm tải việc học. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học, ôn tập cho HS vẫn chưa thực sự ổn định bởi còn phải chờ phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ. Theo ban giám hiệu nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, cả thầy cô và trò đều mong ngóng cấu trúc đề thi cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.