Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong mỏi lớn nhất của người lao động: Đủ sống!

Linh Chi| 14/08/2015 06:32

(HNM) - Ngày 13-8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo về


Đây là cơ sở để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia) đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

Lương tối thiểu mới đáp ứng 60-65% mức sống tối thiểu

Vấn đề được nhiều ý kiến đề cập là đời sống của NLĐ hiện còn quá nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Công đoàn KCN-CX Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, những ngày qua, CNLĐ lo lắng và chờ đợi kết quả về mức đề xuất tăng lương tối thiểu cho NLĐ năm 2016 của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Trước đó, ngay từ đầu tháng 1-2015, tất cả doanh nghiệp trong các KCN-CX Hà Nội đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu (TLTT) vùng cho CNLĐ theo quy định của Nghị định số 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên vẫn không bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ (mới chỉ đáp ứng được khoảng 60-65% mức sống tối thiểu).

Vì thế, các công đoàn cơ sở đã đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng mức lương cơ bản lên từ 3,4 đến 3,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn hỗ trợ cho NLĐ các khoản phụ cấp như chuyên cần, nhà ở, xăng xe… với mức từ 500 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, đời sống CNLĐ vẫn rất vất vả. KCN Thăng Long có khoảng 60.000 CNLĐ, phần lớn ở trọ tại các nhà cho thuê ở xã Kim Chung (Đông Anh) với giá đắt đỏ.

Với đại đa số CNLĐ, thu nhập hiện không đủ trang trải cuộc sống.


Đơn cử như ở Thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), phòng 10m2 có giá thuê 700 nghìn đồng/tháng. Cùng diện tích này nếu thuê nhà ở khu vực nội thành, NLĐ phải trả từ 2-2,5 triệu đồng và luôn phải chịu tiền điện, nước ở mức cao nhất. Chưa kể, nhiều CNLĐ phải gửi con ở trường tư thục với giá rất cao. Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi chi phí khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/cháu, trẻ từ 1 tuổi trở lên đến 6 tuổi là khoảng 2 triệu đồng/tháng/cháu. Để có đủ tiền chi phí cho cuộc sống hằng ngày, nhiều CNLĐ phải làm thêm giờ, tìm việc làm thêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NLĐ. Vì không đủ tiền, nhiều CNLĐ phải đành lòng gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc...

Trông chờ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016

Thừa nhận thực trạng này, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Phạm Thị Bích Hải khẳng định, với mức lương tối thiểu vùng 1 hiện là 3,1 triệu đồng, rất khó đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chưa nói đến việc NLĐ phải nuôi cha mẹ già, con nhỏ. Việc tích lũy của NLĐ là không thể có. Với mức lương này, NLĐ sống độc thân cũng cần phải có thêm 25% thu nhập mới có thể đủ cho các nhu cầu thiết yếu. Sau khi thực hiện điều tra mức chi tiêu thông thường của NLĐ, doanh nghiệp này đã hỗ trợ NLĐ các khoản trợ cấp: Thâm niên, gia đình, con nhỏ, chuyên cần… nhằm giảm gánh nặng cuộc sống cho CNLĐ.

Trong tháng 4 và 5-2015, Viện Công nhân và Công đoàn, Ban Quan hệ lao động (thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp với LĐLĐ 10 tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát "Tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của NLĐ trong các doanh nghiệp năm 2015", về việc thực hiện chính sách TLTT vùng trong các doanh nghiệp, nhằm đánh giá tác động của TLTT đến thu nhập, việc bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và vai trò các cấp công đoàn trong việc triển khai thực hiện điều chỉnh TLTT vùng năm 2015. Kết quả cho thấy thực tế tương đồng những vấn đề nêu trên. Và niềm mong mỏi lớn nhất của NLĐ là: Có việc làm, tiền lương ổn định, đủ sống...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, kết quả khảo sát là cơ sở thực tiễn giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên trì mục tiêu TLTT phải bảo đảm mức sống tối thiểu của CNLĐ và đề nghị Chính phủ khẳng định lộ trình điều chỉnh TLTT bảo đảm mức sống tối thiểu vào năm 2017 theo tinh thần Kết luận số 63-KL/TƯ ngày 27-5-2013 của Hội nghị TƯ 7 (khóa XI) "Từng bước điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của NLĐ".

Bên cạnh đó, các số liệu về mức sống tối thiểu, chỉ số CPI... cần được xem xét và thống nhất lại cách tính toán bảo đảm có kết quả tin cậy. Để hỗ trợ cho người sử dụng lao động và NLĐ, Chính phủ cần tích cực chỉ đạo kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống NLĐ. Cùng với đó là có chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, tăng năng suất lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế; đồng thời, kiểm tra việc xây dựng thang, bảng lương, quy chế trả lương cho NLĐ, tránh trường hợp doanh nghiệp không có thang, bảng lương theo quy định hoặc nhiều năm không nâng lương cho NLĐ. Với nỗ lực từ nhiều bên, trên tinh thần vì NLĐ cũng là vì người sử dụng lao động, phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ giúp NLĐ có cuộc sống ổn định hơn.

Theo kết quả khảo sát, đến tháng 4-2015, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 103/2014/NĐ-CP về điều chỉnh TLTT vùng trong doanh nghiệp, 85-90% doanh nghiệp (có công đoàn) đã thực hiện điều chỉnh TLTT với mức tăng bình quân 14,3% so với năm 2014 mà không gây đột biến về chi phí cho doanh nghiệp. Mức tăng 14,3% (250 - 400 nghìn đồng) tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu song NLĐ đã yên tâm làm việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong mỏi lớn nhất của người lao động: Đủ sống!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.