Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong manh thỏa thuận hạt nhân Iran

Quỳnh Dương| 18/06/2020 06:50

(HNM) - Sau thời gian tạm lắng vì dịch Covid-19 bùng phát, những căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran lại được “hâm nóng”. Việc này khiến Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vốn được coi là thỏa thuận hạt nhân lịch sử liên quan đến Iran, đứng trước viễn cảnh ngày càng mong manh, nhiều nguy cơ đổ vỡ.

Iran nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh các hoạt động hạt nhân nếu JCPOA đổ vỡ.

Mới đây, các cường quốc châu Âu tham gia ký kết JCPOA gồm Đức, Pháp, Anh đã đưa ra dự thảo nghị quyết kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ và nhanh chóng với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Nội dung nghị quyết có phần đề nghị Iran cho phép các thanh sát viên quốc tế của IAEA tiếp cận những địa điểm và thực thi các nghĩa vụ được nêu trong Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Bên cạnh đó, các cường quốc châu Âu cũng muốn thúc đẩy việc chỉ trích Iran tại IAEA do không hợp tác đầy đủ với các thanh sát viên quốc tế.

Động thái của ba nước châu Âu được đưa ra sau khi IAEA đưa ra hai báo cáo chỉ trích Tehran không cho tiếp cận hai cơ sở hạt nhân nhưng không đề cập địa danh cụ thể. Đây được xem là nơi có thể đã diễn ra các hoạt động phát triển nguyên tử của Iran. IAEA cũng cho rằng Tehran không phúc đáp các câu hỏi liên quan nguyên liệu hạt nhân và các nghi vấn tại ba địa điểm mà Iran chưa công bố. Theo thống kê của IAEA, kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran nhiều gấp 5 lần giới hạn được ấn định theo thỏa thuận mang tính bước ngoặt hồi năm 2015 với các cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, Iran cho rằng, báo cáo của IAEA là bước đi thiếu tính xây dựng, chỉ dựa vào tuyên bố và cáo buộc của cơ quan tình báo Israel - một đồng minh thân cận của Mỹ. Về phần dự thảo nghị quyết của Đức, Pháp, Anh, đại diện Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi cho biết, nếu ba nước châu Âu tiến hành các bước đi như vậy, Tehran sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra hành động đáp trả.

Tình trạng leo thang căng thẳng giữa các bên liên quan tới JCPOA đang đẩy thỏa thuận hạt nhân này tiến sát hơn tới bờ vực đổ vỡ. Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018, Đức, Pháp, Anh dù vẫn tuyên bố nỗ lực bảo vệ thỏa thuận, song Tehran đã nhiều lần phàn nàn rằng châu Âu chưa thực hiện đúng nghĩa vụ theo văn bản này. Giới chức Iran cũng bày tỏ thất vọng về cơ chế INSTEX - cơ chế tài chính do Đức, Pháp và Anh thiết kế riêng trong giao dịch với Iran để “né” đòn trừng phạt của Mỹ, song hầu như không có bất kỳ một hoạt động nào suốt hơn một năm qua.

Những gì đang diễn ra khiến dư luận liên tưởng tới kịch bản sụp đổ của Thỏa thuận Paris năm 2004. Thời điểm đó nhóm E3 (gồm Pháp, Đức và Anh được Mỹ hậu thuẫn) yêu cầu Iran đình chỉ các hoạt động liên quan tới việc làm giàu uranium để đổi lấy một loạt quyền lợi về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, các bên đã rơi vào bế tắc trong tìm kiếm một sự dàn xếp dài hạn bởi những đề xuất của Iran không phù hợp với yêu cầu của phương Tây.

Nản chí với các vòng đàm phán kéo dài, Tehran quyết định rút khỏi bàn thương lượng năm 2005 và tiếp tục nối lại các hoạt động làm giàu uranium. Động thái này nhanh chóng khiến căng thẳng leo thang và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết để trừng phạt. Tehran phản ứng bằng cách thúc đẩy chương trình hạt nhân, làm giàu uranium tới mức 20%, xây dựng lò phản ứng Arak, tập trung vào việc tăng cường khả năng sở hữu vật liệu phân hạch.

Vì vậy, một khi JCPOA đổ vỡ, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu, phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực lên một cấp độ nguy hiểm mới. Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Mỹ cũng tiếp tục leo thang. Khi đó, an ninh và sự ổn định của khu vực Trung Đông, châu Âu và thậm chí cả thế giới đều có thể đứng trước tình trạng báo động đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong manh thỏa thuận hạt nhân Iran

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.