(HNM) - Nghệ nhân Việt Cường (sinh năm 1964) là người chế tác trang phục giáp trụ cho các nhân vật lịch sử, từng hợp tác với nhiều đoàn làm phim trong đó có phim truyện nhựa
Trang phục trong phim “Thiên mệnh anh hùng”. |
- Tại sao anh quyết định gắn bó với nghề chế tác giáp trụ mà không tiếp tục con đường diễn viên, thiết kế đạo cụ như trước?
- Lý do đầu tiên để tôi chế tác những bộ giáp trụ là vì lòng tự hào dân tộc. Xem những bộ phim lịch sử, dã sử Trung Quốc, thấy giáp trụ mà tướng lĩnh và binh sỹ mặc trông rất oai phong, giống như đúc bằng đồng và sắt thép, còn trang phục phim cổ trang của ta thì lộ rõ là may bằng vải và simili rồi tán vài cái đinh rive lên cho ra vẻ hầm hố… Ngoài ra, cha tôi vốn là một nghệ nhân ngành giày nên tôi đã tranh thủ được kiến thức của ông để ứng dụng vào sản phẩm của mình. Nghề dạy nghề, tôi đã chế tác ra nhiều sản phẩm cho nghệ thuật điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật… Phim điện ảnh mới nhất mà tôi tham gia chế tác giáp trụ là “Thiên mệnh anh hùng”. Mới đây, tôi chế tác một số mũ dành cho lính Pháp trong một bộ phim về cụ Phan Bội Châu.
- Chúng ta vốn thiếu các nguồn sử liệu liên quan đến trang phục lịch sử, anh khắc phục hạn chế này thế nào khi chế tác giáp trụ?
- Tôi chỉ là một người chế tác chứ không phải họa sĩ hay người thiết kế trang phục nên tôi phải dựa trên bản thiết kế của họa sĩ, đồng thời chủ động tìm hiểu thêm trong sách sử, các nguồn mỹ thuật, phim ảnh khác và ứng dụng công nghệ vật liệu để hoàn thiện sản phẩm. Nghệ thuật điện ảnh cũng cho phép cách điệu đôi chút nên tôi cũng không bị quá gò bó. Tôi rất không đồng tình việc một số người cho rằng, vào thời Lý, Trần, ta không có giáp đồng, giáp sắt và chỉ có giáp mây, tre… Chúng ta tự hào với trống đồng và kỹ thuật đúc tinh xảo từ mấy nghìn năm trước. Lịch sử chống ngoại xâm cũng cho thấy tướng lĩnh của ta không thể chỉ biết mặc vỏ cây ra trận để đối đầu với những đội quân trang bị đầy đủ giáp trụ, binh khí.
- Việc hoàn thiện một bộ giáp trụ diễn ra như thế nào, thưa anh?
- Từ mẫu thiết kế, tôi ra mẫu ráp (trên bìa cứng) sau đó cắt trên chất liệu thực tế, tiếp theo là tạo hình theo cơ thể nhân vật, chế tác các hoa văn trên áo, tạo vết gồ để cho giống vết gồ đồng. Sau khi phun màu cho các chi tiết thì lắp các bộ phận lại với nhau. Chất liệu cho giáp trụ của tôi có đặc điểm dẻo, dễ cử động, an toàn cho cascadeur (người đóng thế) với những pha hành động mạo hiểm và mỗi bộ giáp chỉ nặng bằng 1/3 so với áo giáp do Trung Quốc sản xuất.
- Sắp tới, anh sẽ hợp tác với phim nào?
- Hiện tại, tôi đang chế tác mẫu giáp trụ cho một bộ phim truyền hình dã sử và sắp tới là một dự án phim khác về Điện Biên Phủ. Tôi hy vọng những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ giúp ít nhiều cho phim lịch sử, dã sử Việt Nam.
- Chân thành cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.