(HNM) - Ngày 1-6 năm nay đối với cậu bé xương thủy tinh Nguyễn Hoàng Quốc An (lớp 3D Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) thực sự là Tết thiếu nhi khó quên...
Giá trị học bổng không phải là phần thưởng lớn nhất mà các em nhận được, dẫu với nhiều gia đình, nó giúp san sẻ phần nào gánh nặng chuẩn bị cho năm học mới sắp tới. Điều khiến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thêm niềm tin và nghị lực vươn tới những ước mơ chính là sự sẻ chia của cộng đồng.
Lễ trao học bổng Parkson tại Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). |
Tổ chức các hoạt động xã hội là việc mà hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai để thể hiện trách nhiệm của mình với mảnh đất, con người nơi đơn vị đang sản xuất, kinh doanh, nhưng cách mà Parkson làm có những điểm khác biệt. 10 tỷ đồng trao cho hơn 20 nghìn học sinh trong 6 năm là số tiền khách hàng mua sắm tại 8 trung tâm thương mại của đơn vị trích ra trong "Tháng sẻ chia" và do các thương hiệu, nhân viên quyên góp. Mỗi giao dịch mua hàng chỉ trích ra 10 nghìn đồng cho quỹ học bổng, nhưng "góp gió thành bão", quy mô của quỹ ngày một tăng, số lượng học bổng ngày một nhiều. Chính nhờ cách làm này, cộng đồng đã được đồng hành cùng chương trình học bổng và vì thế tính lan tỏa của nó cũng rộng hơn rất nhiều. Thêm nữa, như Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đánh giá, "khác với nhiều đơn vị chỉ muốn quan tâm tới khu vực nội thành và học sinh học giỏi, học bổng Parkson dành cho học sinh nghèo vượt khó và trẻ khuyết tật. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bởi họ không hướng tới đối tượng khách hàng tiềm năng của mình là những gia đình có điều kiện kinh tế". Hai năm gần đây, bên cạnh việc tặng quà là sách, vở, đồ dùng học tập cùng một số tiền để các em trang trải cho các chi phí học hành khác, chương trình còn đầu tư cho thư viện của 4 trường học vùng ngoại thành Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Chương trình đã mua sắm các trang thiết bị, bàn ghế, sách, truyện theo đúng nhu cầu của trường và tổ chức trao tận nơi. Dù số tiền không lớn, 60 triệu đồng một thư viện, nhưng trang trọng và chân tình là cảm nhận của người nhận quà đối với chương trình này.
Tuy Giám đốc điều hành khu vực miền Bắc Kelvin Chan khiêm tốn khi phát biểu trong lễ trao học bổng được tổ chức tuần qua tại Hà Nội rằng, các học bổng dù chưa đủ để giúp các em thay đổi cuộc sống khó khăn, nhưng với chị Nguyễn Thị Ng. (Sóc Sơn) thì số tiền này thật sự giúp chị thực hiện được ước mơ nhiều năm chưa thể thành hiện thực với một gia đình ăn còn chưa đủ. Đó là mua cho con một chiếc xe đạp để lên cấp THCS, con gái chị có thể tự tới trường, để chị không phải vượt hàng chục cây số về đón con sau mỗi giờ tan học và có thêm thời gian để kiếm tiền nuôi con. Sự thay đổi đối với một con người, một gia đình có thể bắt đầu từ những món quà không lớn nhưng nhiều ý nghĩa như vậy. Bởi thế, mong muốn mà ông Phạm Xuân Tiến bày tỏ "Parkson Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong việc tạo ra các hoạt động xã hội mang đầy tính nhân văn và ý nghĩa" cũng là niềm hy vọng của xã hội không chỉ với riêng Parkson mà với cả cộng đồng doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.