(HNM) - Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đứng sau cây lúa, cây dừa là nguồn thu chủ lực về kinh tế của người nông dân. Ấy vậy nhưng mấy ngày qua theo thông tin trên báo chí thì bà con các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre đang đua nhau... chặt dừa để lấy diện tích trồng cây lác. Tại sao có tình trạng này?
Đơn giản vì tính từ đầu năm tới nay giá trái dừa rớt thê thảm, giảm tới 10 lần so với thời điểm đầu năm, chỉ còn khoảng 15-20 nghìn đồng cho 12 trái dừa mà thương lái chẳng chịu mua cho vì những nguồn nhập khẩu mặt hàng này ở nước ngoài đang tạm thời "đóng băng". Bình thường 1ha đất trồng dừa năm trước người nông dân có thể thu về khoảng 4,5 tới 5,5 triệu đồng thì giờ chỉ còn khoảng 400-500 nghìn đồng, trong khi cùng thời điểm này, nếu trồng cây lác trên diện tích đó có thể cho thu nhập tới trên chục triệu đồng. Tính riêng tỉnh Bến Tre, có khoảng 50 nghìn hộ dân nguồn thu nhập chủ yếu trông chờ vào vườn dừa, nay rơi vào tình cảnh đó, cực chẳng đã bà con mới phải... chặt dừa.
Nghĩ mà tiếc vì cây dừa là cây lâu năm và thời gian thu hoạch có thể kéo dài hàng chục năm. Mất bao công sức và năm tháng để có những vườn dừa như vậy... Nhưng rồi trồng cây lác, ai dám chắc là thời gian tới sẽ không diễn ra cảnh chặt cây lác để trồng cây khác?
Cái vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt mà người nông dân là nạn nhân không biết tới bao giờ mới chấm dứt? Tương tự như chuyện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ mới đây thôi, ở các tỉnh Tây Nguyên là "phong trào" phá cà phê để trồng hồ tiêu. Nguyên nhân chính cũng là do lợi ích kinh tế không bảo đảm. Hay như 10 năm trước, niên vụ 2002-2003 diện tích trồng bông của Việt Nam đạt 32.600ha, sản lượng 13.000 tấn, đáp ứng 10% nguyên liệu bông xơ cho ngành dệt may. Tuy nhiên đến nay diện tích trồng loại cây công nghiệp này chỉ còn hơn 10.000ha, sản lượng cũng giảm 1/3. Lượng bông sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 1,5% nhu cầu của thị trường, còn lại mỗi năm ngành dệt may phải bỏ ra hơn 1 tỷ đô la để nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Dù chương trình phát triển cây bông vải đã được phát động trong hai năm qua nhưng diện tích tăng lên chưa đáng là bao, theo các DN và bà con nông dân, nguyên nhân là do hầu như trồng cây bông chưa có lợi nhuận.
Còn có thể tiếp tục dẫn chứng hàng loạt cây trồng, vật nuôi rơi vào tình cảnh như vậy và đây cũng là chuyện không mới, đã kéo dài trong nhiều năm qua. Nỗi khổ của bà con nông dân ai cũng biết nhưng làm gì để chấm dứt tình trạng đó thì xem ra chưa có những biện pháp hiệu quả. Điều dễ nhận thấy nhất là hiện nay việc bà con nông dân trồng cây gì, nuôi con gì hầu hết đều tự phát. Chưa có chiến lược cùng sự hoạch định phát triển cây trồng, vật nuôi cụ thể ở từng khu vực, vùng miền, dựa trên căn cứ khoa học về điều kiện đất đai, khí hậu, giá trị kinh tế... để từ đó cung cấp nguồn giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Và quan trọng nhất là có những cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các DN vào cuộc, cung cấp nguồn vốn, đồng thời lo "đầu ra" trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Những công việc nêu trên khi chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể thì xem ra người nông dân còn khổ dài dài do điệp khúc "trồng" rồi lại "chặt" hoặc sa vào cái vòng luẩn quẩn "được mùa, rớt giá" mà chuyện thời sự về quả dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là một ví dụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.