(HNM) - "Cán bộ lớp" hay "lớp trưởng", "lớp phó" là những chức danh mà bất cứ HS nào cũng ao ước. Thế nhưng khi đã khoác lên mình chức danh rất "oai" này, các em sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và trọng trách nặng nề từ bạn bè, thầy cô. Chúng ta hãy cùng nghe các em HS và phụ huynh nói về nỗi khổ của những "cán bộ lớp" nhé.
Em Nguyễn Mạnh Hùng (lớp 12, Trường THPT Trần Phú):
- Em có "thâm niên" làm cán bộ lớp suốt từ những năm cấp I cho đến tận bây giờ. Muốn làm lớp trưởng, trước tiên em phải cố gắng gương mẫu, đồng phục luôn chỉnh tề, không vi phạm kỷ luật, học giỏi toàn diện các môn… Ngoài ra còn phải dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, thông báo, tổ chức các sự kiện, giao lưu văn nghệ... Nếu không sắp xếp công việc khéo léo thì rất dễ ảnh hưởng đến thời gian học tập. Do đó, đôi lúc em cũng rơi vào trạng thái quá tải, mệt mỏi… Tuy vậy, khi đóng góp được nhiều thành tích cho lớp, được thầy cô và các bạn khen ngợi, em cảm thấy rất tự hào.
Em Nguyễn Minh Thu (lớp 9, Trường THCS Ngọc Thụy):
- Em đã từng làm lớp trưởng năm lớp 7, sau đó vì mất thời gian vào quá nhiều hoạt động ngoại khóa nên em xin "từ chức". Làm lớp trưởng, đồng nghĩa với việc phải gánh vác nhiều công việc quan trọng của lớp. Thế nhưng, ít bạn trong lớp hiểu được nỗi khổ này. Mỗi lần phân công hay chỉ đạo các bạn tham gia các hoạt động, em phải năn nỉ hết bạn này đến bạn kia. Khi thầy cô giao nhiệm vụ phải báo những bạn trốn học hay copy bài thì lớp trưởng sẽ bị coi là kẻ mách lẻo, phản bội bạn bè… Lớp trưởng cũng phải là người học giỏi nhất lớp, do đó lúc nào em cũng sợ học kém, tụt hạng so với các bạn rồi mọi người sẽ cười, nghi ngờ khả năng của "cán bộ lớp"...
Chị Hoàng Thị Lan (phụ huynh học sinh, Hà Nội):
- Cháu thứ hai nhà tôi mới học lớp 4 mà đã được cô giáo tín nhiệm phân công cho chức "lớp trưởng". Ban đầu, cả nhà vui lắm vì nghĩ cháu được làm lớp trưởng sẽ mạnh dạn hơn, phấn đấu học hành tốt hơn. Thế nhưng, chỉ sau một học kì, tôi nhận thấy cháu có rất nhiều thay đổi. Từ khi được làm "cán bộ lớp", cháu tự cho mình là người quan trọng, hay quát mắng và gắt gỏng với mọi người. Ở lớp, cháu còn được cô giáo giao nhiệm vụ ghi vào sổ đầu bài những bạn đi học muộn, quay cóp bài trong giờ kiểm tra nên cháu luôn dùng "đặc quyền" của mình để bắt nạt các bạn trong lớp. Do đó, cháu không hòa hợp được với các bạn trong lớp, bị các bạn ghét.
Trẻ rất dễ ngộ nhận về những quyền lợi của mình khi làm lớp trưởng dẫn đến việc có những hành vi sai lệch như trên. Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, tôi đã tâm sự và chia sẻ với con rất nhiều. Tôi cũng gợi ý cho con cách giải quyết công việc, cách hành xử thế nào cho đúng ở mỗi tình huống, nhắc nhở con về việc xây dựng tình bạn. Ngoài ra, tôi cũng tìm gặp cô giáo, thẳng thắn kể lại những hiện tượng thay đổi tâm tính của con mình để cô giáo có thể điều chỉnh cách giao việc cho con trên lớp. Làm lớp trưởng tốt đúng là rất khó, vì thế các bậc phụ huynh và thầy cô nên giúp đỡ, định hướng cho trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.