(HNM) - Khởi nguồn từ Trung tâm Thanh, thiếu niên (TTTTN) miền Nam năm 2007, đến nay chương trình Học kỳ quân đội (HKQĐ) đã lan rộng trong cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhiều học sinh phổ thông và phụ huynh, giúp các em trải nghiệm, hiểu rõ hơn về cuộc sống của người lính và kỹ năng sống cần thiết.
Giáo dục kỹ năng sống
Thực hiện NQ liên tịch giữa TƯ Đoàn và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về "Phát huy vai trò của tuổi trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2009-2012", Ban Bí thư TƯ Đoàn đã chỉ đạo TTTTN miền Nam tổ chức thí điểm, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai chương trình HKQĐ trong toàn quốc từ năm 2008. Đây là mô hình mới, có hiệu quả trong việc giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh (QPAN) cho thanh niên, học sinh trong tình hình mới.
Các “chiến sĩ nhí” chuẩn bị về đơn vị. Ảnh: Năng Lực
Đến nay, cả nước đã tổ chức được gần 100 lớp HKQĐ với gần 3.000 học sinh THCS và THPT tham gia. Tùy vào điều kiện địa phương, các lớp HKQĐ có thể mang tên gọi, cách thức tổ chức khác nhau, nhưng nhìn chung về khung của chương trình vẫn có 3 chủ đề: "Tập làm chiến sĩ", "Hành trình đến với thiên nhiên" và "Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn". Không chỉ được tiếp cận với kiến thức QPAN, tình hình biển đảo... các chiến sĩ "nhí" còn được giáo dục kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, giúp các em tự tin trong cuộc sống, biết chia sẻ với những người xung quanh…
Ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc TTTTN miền Bắc cho biết, cả nước đã có 3 TTTTN Bắc, Trung, Nam phối hợp với các đơn vị quân đội tổ chức mỗi năm từ 3 đến 5 lớp HKQĐ. Ngoài ra, chương trình này được triển khai đồng loạt tại các tỉnh, thành đoàn trong cả nước từ năm 2010. Việc tổ chức tốt HKQĐ còn từng bước thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN, gắn với xã hội hóa chăm sóc, giáo dục TTN trong tình hình mới.
Nhu cầu thực tế
Có lẽ chưa năm nào nhu cầu cho con tham gia các lớp HKQĐ lại được đông đảo các bậc phụ huynh quan tâm như năm nay. Đơn cử như lớp HKQĐ vừa được Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam phối hợp với Đoàn B90 - Bộ Tư lệnh Pháo binh tổ chức ở Hải Dương. Anh Nguyễn Minh Phương, cán bộ Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam cho biết, kế hoạch ban đầu chỉ dự định chiêu sinh hơn 100 chỉ tiêu, vì lo cơ sở vật chất không đáp ứng được. Tuy nhiên, có đến hơn 500 phụ huynh đến đăng ký cho con tham gia lớp học. Sau khi lựa chọn, xét tuyển, đơn vị đã quyết định tuyển 173 học viên, trong đó có 87 em độ tuổi từ 10 đến 13.
Hành trình của các chiến sĩ "nhí" đến làm quen với đời sống của người lính tại Đoàn B90 - Bộ Tư lệnh Pháo binh tại huyện Chí Linh - Hải Dương thật thú vị. Những ''cậu ấm, cô chiêu'' ở TP được tập làm quen với cuộc sống quân ngũ, giờ giấc sinh hoạt quy củ và học cách tự làm nội vụ, tự chăm sóc sức khỏe, rèn luyện bản lĩnh cá nhân. Em Nguyễn Anh Minh (học sinh lớp 8, Trường THCS Hà Nội Academy) chia sẻ: "Khi ở nhà, em không phải tự tay làm việc gì. Nhưng khi tham gia chương trình này, em đã biết tự gấp chăn màn, giặt quần áo, hoạt động thể thao, tăng gia sản xuất. Hơn nữa, em được học thêm các kỹ năng nhận ra giá trị bản thân, học cách vượt qua thất bại. Em nghĩ đây là cơ hội rất tốt để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng giúp chúng em tự lập và khẳng định bản thân trong xã hội sau này". Em Trần Bảo Châu (học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Chu Văn An) hồ hởi nói: "Ở TP thì thiếu sân chơi, trong khi chương trình này có rất nhiều bạn mới, lại được cùng nhau tham gia các hoạt động thể thao, tìm hiểu về truyền thống của QĐND Việt Nam… Chúng em đã học được tính tự lập, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi điều trong cuộc sống". Còn em Hoàng Tùng (lớp 7C, Trường THCS Xuân Đỉnh, Hà Nội) lại có cảm xúc khác: "Em biết đến chương trình HKQĐ thông qua bạn bè và được gia đình ủng hộ nên đã đăng ký. Những thay đổi về giờ giấc, phong cách sinh hoạt, hoạt động sẽ giúp em sẵn sàng thích nghi với mọi môi trường và hoàn cảnh khác nhau, hòa nhập với bạn bè, cộng đồng dễ dàng hơn. Trong những năm tiếp theo, em sẽ tiếp tục tham gia và giới thiệu cho bạn bè cùng đến với chương trình này".
Trong mỗi HKQĐ, Ban tổ chức đều huy động từ 8 đến 15 tình nguyện viên để giúp đỡ các em về mọi mặt, mọi lúc cần thiết. Mục tiêu là giúp các em trải nghiệm cuộc sống của người lính; thêm cơ hội trau dồi kiến thức QPAN cho bản thân. Nguyễn Văn Sơn (SV năm thứ 3, ĐH Bách khoa Hà Nội), Đội trưởng Đội tình nguyện chương trình HKQĐ tại Hải Dương cho biết: "Biết đến chương trình thông qua các diễn đàn, trang web của đoàn, hội, tôi đã đăng ký tình nguyện hỗ trợ các em. Bên cạnh tập làm quen với giờ giấc sinh hoạt, các hoạt động trong chương trình HKQĐ, tôi và các tình nguyện viên còn trò chuyện, chia sẻ, giúp các em đỡ nhớ nhà".
Theo Thượng tá Tấn Minh Hải, Phó Chính ủy Đoàn B90 - Bộ Tư lệnh Pháo binh, chương trình rèn luyện trong quân ngũ đã được đơn vị thiết kế phù hợp với đặc điểm thể chất của các em nhỏ. Mong rằng Đoàn Thanh niên tiếp tục phối hợp với các đơn vị quân đội, mở thêm nhiều lớp HKQĐ thiết thực, có ý nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.