(HNM) - Trước tình trạng tội phạm là người tâm thần có xu hướng bạo lực, các đối tượng phạm tội trong trạng thái bị ảo giác do sử dụng ma túy, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá (hay còn gọi là "ngáo đá") diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể trong quản lý, phòng ngừa những mối nguy này ngay từ cơ sở.
Loại tội phạm khó phòng ngừa
Ngày 3-6 vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã giải cứu thành công một đối tượng “ngáo đá” trèo lên nóc một tòa nhà gần Bến xe Mỹ Đình. Trước đó đúng một tháng (ngày 3-5), Thào Văn Trường (sinh năm 1990, quê ở tỉnh Điện Biên) trong lúc “ngáo đá” đã dùng dao khống chế một phụ nữ tại quận Hoàng Mai... Những vụ việc trên cho thấy, nguy cơ đối tượng phạm tội trong trạng thái bị ảo giác do sử dụng ma túy tiềm ẩn những hậu quả khó lường.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 13.000 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. So với những năm trước, số người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý ở Hà Nội tuy giảm, nhưng lại tập trung vào những người trẻ dưới 35 tuổi. Trong đó, số có mặt tại cộng đồng là 8.845 người, vắng mặt là 1.204 người. Số người nghiện chưa được quản lý chặt đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh hành vi phạm tội.
Đại úy Phạm Đức Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) cho rằng, rất khó để phát hiện sớm, phòng ngừa hành vi phạm tội của các đối tượng trên. Trong khi đó, việc đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện rất khó khăn bởi chỉ khi gia đình tự nguyện mới có thể đưa người nghiện đi được. Ông Dương Ngọc Hải (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, gần nhà ông có đối tượng nghiện ma túy dù đã được đưa đi cai nghiện nhưng sau đó vẫn “ngựa quen đường cũ”, gây bất an cho khu dân cư.
Phòng ngừa tội phạm phát sinh vì “ảo giác do ma túy” hoặc “ngáo đá” đã khó thì việc chủ động ngăn ngừa các đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực lại càng khó khăn hơn. Theo Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), hiện chưa có con số thống kê về tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần trong các vụ án hình sự. Trong khi đó, quy định pháp luật không đặt vấn đề xử lý hình sự đối với người tâm thần phạm tội mà chỉ buộc họ chữa trị bệnh.
Chia sẻ thêm về những mối nguy từ hành vi phạm tội của người mắc bệnh tâm thần, bác sĩ Trần Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt nếu sử dụng rượu, bia, ma túy rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực, gây nguy hiểm cho xã hội.
Quản lý chặt từ cơ sở
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các loại tội phạm “ảo giác do ma túy”, “ngáo đá”, tâm thần gây án nghiêm trọng, các địa phương đã cụ thể hóa thành những cách làm thiết thực.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) Nguyễn Trịnh Tuyết Thanh, Cảnh sát khu vực là lực lượng nòng cốt theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng bị bệnh lý về tâm thần trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền phường cũng phối hợp với các ban, ngành chức năng, cơ quan y tế, gia đình tổ chức thăm khám, giám định, chẩn đoán, phân loại để theo dõi và áp dụng biện pháp xử lý kịp thời...
Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Mạnh cho biết, hiện quận đang quản lý 911 người nghiện, trong đó 557 người đang có mặt tại địa bàn. Để làm tốt công tác quản lý các đối tượng này, quận đã đẩy mạnh hoạt động của 14 câu lạc bộ B93 (Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng), đồng thời thành lập một đội công tác xã hội tình nguyện gồm 9 thành viên, thường xuyên tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người nghiện trên địa bàn, qua đó giúp họ từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố đang thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày để cập nhật số lượng các đối tượng “ngáo đá”, tâm thần từ công an các đơn vị, địa phương, từ đó có phương án theo dõi, quản lý chặt chẽ, phòng ngừa các nguy cơ gây án. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ cũng tập trung phát hiện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; giải quyết các địa bàn, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy.
Bác sĩ Trần Hồng Thu cũng khuyến cáo, các gia đình có người thân mắc biểu hiện bị “ảo giác do sử dụng ma túy”, “ngáo đá”, tâm thần nên sớm đưa họ đến các cơ sở chức năng để khám, theo dõi và điều trị. Những người bệnh sau khi cai nghiện, chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tránh bệnh tái phát, khó kiểm soát, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.