Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy hại của món ăn ''khoái khẩu'' từ nội tạng động vật

Phương Thu| 26/12/2021 05:05

(HNMCT) - Trong những bữa tiệc cuối năm, các món ăn làm từ nội tạng động vật luôn được nhiều người ưa thích. Đây là loại thực phẩm nhiều đạm, bổ dưỡng nhưng cũng có thể gây hại cho sức khỏe nếu chế biến không đảm bảo vệ sinh.

Nội tạng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Ăn nhiều nội tạng ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?

Nhiều người thích ăn các loại nội tạng động vật như óc, tim, gan. Tuy nhiên, do chứa rất nhiều chất béo bão hòa và cholesterol nên nếu tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật thì mỡ máu tăng cao, dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, gout...

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, xét về mặt dinh dưỡng, nội tạng động vật có hàm lượng calo tương tự thịt nạc (từ 100 - 150 calo/100 gram), hàm lượng protein khoảng 16 - 22% trọng lượng (trừ não và tủy) và hàm lượng chất béo trung bình từ 5 - 7%, trong đó chủ yếu là chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao. Do đó, người khỏe mạnh nếu ăn nội tạng động vật với một lượng phù hợp thì có lợi cho cơ thể, nhưng phải kiểm soát số lượng.

Một điều dáng lo ngại nữa là đã không ít lần cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ số lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối. Những nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng... chưa được nấu chín sẽ khiến liên cầu khuẩn từ thức ăn xâm nhập vào cơ thể người gây bệnh.

Đặc biệt, ở Việt Nam, theo thống kê có tới 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Nội tạng không nấu chín kỹ hoặc ô nhiễm chéo sang thức ăn, nước uống khác trong quá trình chế biến sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn E.coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

“Phù phép” nội tạng động vật bẩn thành đặc sản

Chất lượng món ăn được chế biến từ nội tạng động vật còn phụ thuộc vào chất lượng thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh, bệnh tật... của con vật đó trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, lưu thông và chế biến tiêu dùng.

Do đó, chỉ cần một trong những khâu đó không an toàn như thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất (thuốc trừ sâu, chì, cadimi, asen...) hoặc không tuân thủ liệu trình chữa bệnh như dùng quá nhiều kháng sinh, thuốc tẩy giun sán... sẽ để lại dư lượng hóa chất, thuốc thú y cao trong thực phẩm, đặc biệt là ở nội tạng động vật.

Vào dịp lễ Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn cao hơn so với ngày thường. Vì thế, phía kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn cũng tranh thủ dịp này để tung những loại nội tạng động vật bẩn ra thị trường. Với công nghệ “phù phép” thực phẩm bẩn thành thực phẩm bình thường bằng các loại hóa chất bảo quản, tẩm ướp hương liệu, hàng tấn nội tạng đã ôi thiu, mốc meo vẫn tới được bàn tiệc của thực khách.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, cho biết: “Người Việt rất thích ăn nội tạng động vật, nhưng thường không để ý chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Nội tạng động vật nếu đã được tẩy trắng bằng hóa chất thì khi ăn vào sẽ rất nguy hiểm. Nội tạng là loại thực phẩm rất dễ nhiễm khuẩn, kể cả đã nấu chín mà không sử dụng hết, lượng nội tạng thừa cũng nên bỏ đi vì khi đã để qua đêm chúng rất dễ nhiễm khuẩn trở lại và có thể gây ngộ độc”.

Nội tạng động vật là món ăn ngon, bổ dưỡng, tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe thì chỉ nên sử dụng 1 lần/tuần. Lượng sử dụng các loại nội tạng cần ở mức độ vừa phải. Nên lưu ý mua nội tạng có nguồn gốc rõ ràng và nấu chín kỹ trước khi ăn; tuyệt đối không ăn sống hay ăn tái vì khi đó nguy cơ ngộ độc rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy hại của món ăn ''khoái khẩu'' từ nội tạng động vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.