Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỏi mòn "ngóng" đề án

Vũ Quỳnh| 29/07/2017 07:36

(HNM) - Cho đến lúc này, các địa phương vẫn đang chờ Đề án tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018 - thực chất là vòng chung kết của Đại hội - được phê duyệt. Đề án chưa được thông qua đồng nghĩa với việc chưa thể có điều lệ của từng môn thi đấu và các địa phương, ngành chưa thể tập trung đầu tư chuyên môn.

Vận động viên bi sắt Hà Nội trong một buổi tập luyện.


Một ngóng, mười chờ

Cách đây gần 1 năm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật Hà Nội Đới Đăng Hỷ thông qua đủ nguồn để tìm hiểu về Đề án tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018 (Đại hội) nhưng không thể có được câu trả lời chính xác, đơn giản vì Đề án chưa được thông qua. Gần 1 năm sau, vị Chủ nhiệm vẫn lăn tăn câu hỏi cũ khi Đề án tổ chức Đại hội chưa chính thức ra đời.

Ông Đới Đăng Hỷ sốt ruột một phần vì nhiều vận động viên của câu lạc bộ đang được doanh nghiệp Sungshin Vina hỗ trợ thi đấu tại hệ thống giải quốc gia năm 2017 dưới tên gọi của doanh nghiệp. Nếu Đề án rồi sau đó là điều lệ của môn vật được ban hành thì ông sẽ biết các vận động viên của Sungshin Vina có được thi đấu cho đoàn Hà Nội tại Đại hội hay không.

Tương tự, huấn luyện viên, vận động viên môn bi sắt cũng ở trong cảnh ngóng đợi. Môn thi đấu này từng không có tên trong dự kiến ban đầu về số môn có trong chương trình Đại hội được tổ chức tại An Giang. Sau đó, bi sắt được bổ sung vào danh sách dự kiến khi việc tổ chức Đại hội được chuyển về Hà Nội bởi ở đây đã có sẵn hệ thống sân bãi đạt tiêu chuẩn Châu Á. Tuy nhiên, người trong cuộc vẫn phải chờ đến khi có văn bản “dấu đỏ” thì mới chắc về "số phận" của môn thể thao này.

Sự chậm trễ không chỉ khiến cho nhiều đơn vị lúng túng trong công tác chuẩn bị cho một sự kiện thể thao cụ thể, mà còn ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển của một số bộ môn. Như với môn lặn nói riêng và thể thao dưới nước nói chung. Cho đến Đại hội năm 2014, môn lặn vẫn có tên trong chương trình thi đấu và khoảng 20 tỉnh, thành phố đầu tư cho môn này. Nhưng sau đó, với định hướng chung là tập trung cho những môn có trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD thì lặn (không có trong chương trình thi đấu tại nhiều kỳ SEA Games gần đây) không có tên trong danh sách dự kiến số môn thi đấu của Đại hội năm 2018. Tuy nhiên, khi Đề án chưa được công bố, nhiều đơn vị vẫn hy vọng mong manh về sự góp mặt của môn lặn tại Đại hội tới. Vì thế, nhiều người cho rằng, nếu có văn bản sớm về việc có hay không tổ chức thi đấu môn lặn từ ngay sau Đại hội năm 2014 thì các địa phương đã có giải pháp chuyển hướng, không mất công theo đuổi, không tốn kém hàng tỷ đồng mỗi năm; nếu Đề án tổ chức Đại hội năm 2018 sớm được thông qua 1-2 năm trước thì đã không có cảnh trớ trêu như vậy.

Đề án sẽ sớm được thông qua?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết: "Nếu không có gì thay đổi thì Đề án sẽ được thông qua và ban hành vào đầu tháng 8-2018. Dựa vào Đề án, điều lệ các môn thi đấu cũng sẽ được ban hành".

Rõ ràng là thời hạn nói trên không làm ai thỏa mãn. Dù phải đến tháng 11-2018 thì đa số môn thi đấu của Đại hội mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2018, một số nội dung của vòng chung kết Đại hội đã được tổ chức. Vì vậy, việc thông qua Đề án vào tháng 8 tới chắc chắn không phải là sớm.

Tuy vậy, sự chậm trễ có một phần nguyên nhân là Đại hội năm 2018 có nhiều điểm khác với các lần tổ chức trước, riêng việc phải thay đổi địa điểm đăng cai từ An Giang về Hà Nội đã "ngốn" khá nhiều thời gian của ban tổ chức, ảnh hưởng đến việc quyết định số môn thi đấu (điều kiện cơ sở vật chất của Hà Nội cho phép tổ chức nhiều môn hơn). Phải đến tháng 6-2017 thì phần việc này mới chính thức khép lại.

Ông Vương Bích Thắng lý giải thêm rằng, khác với các lần tổ chức Đại hội trước, lần này Tổng cục Thể dục thể thao đã có hướng dẫn về việc tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở. Căn cứ vào đó, các địa phương đã tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp cơ sở - điều kiện quan trọng để bảo đảm tiến độ tổ chức vòng chung kết Đại hội năm 2018. Do vậy, Đề án chủ yếu được áp dụng với các môn thi đấu tại vòng chung kết (lực lượng tham gia đa số là vận động viên thành tích cao).

Trong thông báo được ban hành vào tháng 6 vừa qua về việc đồng ý tổ chức Đại hội năm 2018 tại TP Hà Nội và một số địa phương lân cận (nếu cần thiết) thay cho tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý, công tác tổ chức Đại hội năm 2018 và các kỳ tiếp theo cần được tiếp tục đổi mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, bảo đảm tính thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Sự đổi mới ấy đương nhiên phải bắt đầu từ công tác tổ chức, điều hành, ban hành văn bản, làm sao đó để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với việc hướng đầu tư phát triển các môn thể thao của địa phương và ngành, giúp những nơi này tránh lâm vào cảnh “ra ngóng, vào trông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỏi mòn "ngóng" đề án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.