(HNM) - Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nuôi trồng thủy sản là chìa khóa phát triển ngành này theo hướng bền vững. Bởi vậy, việc vượt qua thách thức, đẩy mạnh thực hiện các đề tài khoa học, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích kêu gọi đầu tư, chuyển giao, tiếp nhận các công nghệ... cần phải tập trung mới cho hiệu quả kinh tế.
Cán bộ Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I nuôi thử nghiệm trai cấy ngọc mới tại trại giống Cát Bà. Ảnh: Huy Hùng |
Chậm và chưa được quan tâm đúng mức
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có tổng mức đầu tư lên đến 40.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10%, vốn vay tín dụng 10%, vốn vay thương mại 50%, số còn lại là vốn huy động. Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu của đề án là từ nay đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước ước đạt 3,6 triệu tấn với diện tích 1,1 triệu hécta, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 4,5 triệu tấn, với diện tích 1,2 triệu hécta, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người.
Để thực hiện mục tiêu này, nghiên cứu và ứng dụng thành tựu CNSH trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản là hướng đi tối ưu. Tuy nhiên, có một thực tế là việc triển khai các ứng dụng CNSH thủy sản rất chậm và hiện chưa được quan tâm đúng mức. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, hai năm qua, toàn ngành nông nghiệp mới triển khai được 35 đề tài khoa học công nghệ thủy sản, trong đó xét tuyển được 11 đề tài và 1 dự án sản xuất thử nghiệm nhằm tạo ra giống thủy sản chất lượng cao, sản phẩm mới; bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen thủy sản và vi tảo biển; đào tạo đội ngũ cán bộ thủy sản chuyên sâu; bảo đảm nhu cầu giống thủy sản chủ lực chất lượng cao, sạch bệnh...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu thừa nhận, CNSH thủy sản có vai trò quan trọng, nhưng đáng tiếc là nhiều nơi vẫn chưa coi trọng nên không ít hộ nuôi trồng thủy sản lỗ vốn. Mặt khác, sự tham gia chương trình của các địa phương, doanh nghiệp còn ít, công tác chuyển giao và tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài còn hạn chế. Nhiều chương trình nghiên cứu CNSH thủy sản mới dừng lại ở quy mô sản xuất thử nghiệm, vì vậy so với nhiều nước, việc ứng dụng CNSH trong thủy sản ở Việt Nam mới bắt đầu những bước chập chững... Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho rằng, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là lực lượng chuyên gia nghiên cứu khoa học CNSH thủy sản còn mỏng.
Xã hội hóa nghiên cứu khoa học
Tại hội nghị định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 vừa diễn ra, các chuyên gia thủy sản tiếp tục khẳng định, ứng dụng CNSH trong nuôi trồng thủy sản là chìa khóa cho sự phát triển theo hướng bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, nên xã hội hóa công tác nghiên cứu bằng việc khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả địa phương và doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ưu tiên chuyển giao, tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm của nước ngoài; ưu đãi trong đầu tư phát triển CNSH thủy sản... Hướng nghiên cứu ứng dụng cần tập trung vào giống tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên chọn các giống mới, bản địa; nghiên cứu công nghệ sản xuất giống có năng suất và sản lượng cao, an toàn sinh học. Cần có sự đột phá trong nghiên cứu các phương pháp phòng trị bệnh cho tôm cá; chú trọng nghiên cứu vắc xin cho cá tra và chất kích thích miễn dịch cho tôm, thực hiện việc phòng trị bệnh cho thủy sản bằng thảo dược; tập trung nghiên cứu CNSH trong bảo quản, chế biến thủy sản và hoạt chất sinh học...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho rằng, trong nền kinh tế thị trường có thể tiếp cận nhanh những thành tựu khoa học CNSH thủy sản trong và ngoài nước. Do đó, cần đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau để nhanh chóng đưa thành tựu khoa học vào sản xuất. Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo lưu ý, việc mở rộng hợp tác là điều kiện tiên quyết thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên, cần phát huy trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và kinh nghiệm sẵn có của nông dân để tạo hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận các CNSH thủy sản mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.