(HNM) - Năm 2013 là năm bản lề tổ chức Đoàn các cấp ở Thủ đô thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đoàn TP Hà Nội lần thứ XIV. Bên cạnh việc kế thừa, phát huy những thành quả của nhiệm kỳ trước, Đoàn Thanh niên TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế nội tại, quyết tâm khắc phục để tạo ra những dấu ấn trong chặng đường mới.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà. Ảnh: Duy Quang |
Bám sát cơ sở để nắm người, nắm việc
- Đã trải qua nhiều cương vị là thủ lĩnh của thanh niên, chị có cho rằng đó là cái duyên của mình?
- Vâng, có lẽ là như vậy. Năm 1994, tôi thi đỗ Trường ĐH Xây dựng. Do tham gia hoạt động Đoàn khi đang học THPT, nên tôi được giới thiệu làm Bí thư liên chi đoàn của khoa xây dựng. Thời điểm đó Thành đoàn Hà Nội xây dựng mô hình điểm đưa sinh viên chính quy về làm Bí thư Đoàn phường và tôi đảm nhiệm thêm cương vị Bí thư Đoàn phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng).
- Đảm nhận trọng trách là thủ lĩnh thanh niên tại hai nơi, lại vừa theo học ĐH, chị có thấy quá sức?
- Thời gian đầu vất vả lắm, tôi bị chi phối nhiều thời gian cho công tác Đoàn. Trong khi đó, học chính quy ngành xây dựng rất nặng, thường xuyên thức đêm để làm đồ án. Năm năm ròng rã, ngày thì tôi cống hiến cho công tác Đoàn, tối đến là ngồi vào bàn học. Tôi nghĩ, khi mình đã say mê, hứng thú điều gì thì dường như có thêm nghị lực để theo đuổi.
- Về làm Bí thư Đoàn ở phường nhà, nơi mình sinh sống, chị có gặp khó khăn gì không?
- Thời điểm đó, phường Quỳnh Mai hoàn toàn trắng về tổ chức Đoàn, không có cả đoàn viên, một đồng chí làm mảng quân sự, đã ngoài 40 tuổi, kiêm nhiệm thêm chức danh Bí thư Đoàn phường. Ban đầu tôi phải vận động người thân, bạn bè của mình ở khu dân cư tham gia hoạt động Đoàn, từng bước củng cố chân rết, thành lập các chi đoàn. Khi phủ kín mạng lưới hoạt động Đoàn thì cũng là lúc tôi học xong đại học.
- Vâng, thật khó khăn. Nhưng chị có cho rằng, làm công tác Đoàn hiện nay còn khó hơn các giai đoạn trước?
- Tôi nghĩ thời kỳ nào cũng có những đặc điểm riêng, nhưng hiện nay có một bộ phận thanh niên không muốn vào Đoàn, nhiều đoàn viên không thiết tha với sinh hoạt Đoàn. Mặt khác, tổ chức Đoàn cũng phải nhìn nhận nghiêm túc rằng hoạt động còn lạc hậu, ít đổi mới, một bộ phận cán bộ Đoàn chưa năng động, tâm huyết.
- Theo chị, đâu là nguyên nhân?
- Có rất nhiều cách lý giải, nhưng tôi nghĩ đó là do hoạt động Đoàn chưa bám sát cơ sở, cán bộ Đoàn chưa đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đoàn viên.
- Trên cương vị Bí thư Thành đoàn Hà Nội, chị sẽ giải quyết hạn chế này ra sao?
- Tôi nghĩ, trong một tập thể, quyết tâm của một cá nhân là chưa đủ mà cần có sự thống nhất về tư duy, hành động trong cả bộ máy. Đoàn Thanh niên TP Hà Nội đang có lứa cán bộ mới sau khi tổ chức đại hội, trong đó có rất nhiều người trưởng thành từ cơ sở. Hơn ai hết họ hiểu những vấn đề đang tồn tại, đâu là vướng mắc mà các cơ sở đoàn và đoàn viên cần sự quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ… Chúng ta hướng hoạt động về cơ sở, sát người, sát việc chính là nhằm giải quyết điều đó.
Không thể ngồi chờ… “sung rụng”
- Chị có nghĩ tổ chức Đoàn cũng đang phải “cạnh tranh” để thu hút, tập hợp thanh niên?
- Xác định được Đoàn đang phải “cạnh tranh” thì mới làm tốt, chứ cứ thụ động, ỷ lại thì Đoàn sẽ bị chậm tiến so với nhu cầu của thanh niên. Thực tế hiện nay thanh niên đang tìm kiếm những nơi vui chơi, sinh hoạt nhưng lại không muốn bị ràng buộc về mặt tổ chức, không muốn đóng đoàn phí, không bị đánh giá xếp loại hằng năm… Tổ chức Đoàn cần phải nắm chắc thực tế để cải tổ, chấn chỉnh hoạt động, còn nếu thụ động thì không bao giờ cuốn hút được thanh niên đến với mình. Câu nói ví von của cán bộ Đoàn tiền nhiệm “bây giờ nắm đoàn viên như nắm một nắm cát, càng nắm chặt thì càng rơi”, tôi thấy rất đúng. Vì vậy, Đoàn cần phải cải thiện hoạt động, linh hoạt, hấp dẫn, sáng tạo, cập nhật thông tin, lắng nghe, chia sẻ thì mới cuốn hút người trẻ tham gia.
- Tập trung chỉ đạo đội ngũ cán bộ Đoàn hướng về cơ sở, nhưng để lan tỏa phong trào, hoạt động của Đoàn thì rất cần những người… “có nghề” để tham mưu, tổ chức sự kiện nhằm thu hút, tập hợp, định hướng thanh niên. Làm thế nào để đạt hai mục đích trên?
- Như tôi đã nêu, sau Đại hội Đoàn TP Hà Nội lần thứ XIV, chủ trương của Thành đoàn Hà Nội là tập trung hướng về cơ sở. Để làm việc đó sẽ phải hạn chế hoạt động bề nổi để đầu tư có chiều sâu về thời gian, nhân lực, kinh phí cho cơ sở. Các hoạt động lớn của Đoàn thành phố sẽ giao dần cho cấp cơ sở đăng cai, vừa có thể tiếp cận nhanh chóng đội ngũ đoàn viên, vừa đào tạo cho cán bộ cơ sở nâng cao tính chuyên nghiệp trong công việc. Thành đoàn Hà Nội sẽ cùng với TƯ Đoàn cố gắng thực hiện đúng chức năng của mình là nghiên cứu từ thực tiễn để đưa ra bài học trong quá trình chỉ đạo, xây dựng các mô hình và giao cho cơ sở thực hiện.
- Cứ nói đến khó khăn trong tổ chức các hoạt động Đoàn, người ta thường đề cập ngay tới vấn đề kinh phí. Vào thời điểm này, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các nguồn kinh phí càng hạn hẹp?
- Mới đây, Thành đoàn Hà Nội tổ chức gặp mặt 1.000 bí thư chi đoàn. Rất nhiều bí thư Đoàn trên địa bàn dân cư nêu thực trạng, nguồn ngân sách cấp cho Đoàn cấp xã từ 22 đến 24 triệu đồng/năm, trong đó gói gọn cả hoạt động, phụ cấp trách nhiệm bí thư Đoàn cơ sở và bí thư chi đoàn. Chỉ tính việc chi trả phụ cấp cho bí thư chi đoàn 100.000 đồng/người/tháng, nơi nào địa bàn rộng, đông bí thư thì đã không đủ chi trả. Hiện nay, chúng tôi vẫn suy nghĩ, xác định để giải quyết việc này không thể một sớm một chiều. Thành đoàn Hà Nội đã có chủ trương đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND quan tâm thêm tới cơ chế hoạt động cho Đoàn thanh niên cấp xã và tương đương. Cơ chế ở đây cụ thể là kinh phí hoạt động phong trào Đoàn, làm thế nào bảo đảm nguồn kinh phí cơ bản cho hoạt động nghiệp vụ, nhưng vẫn bảo đảm chi trả phụ cấp cho bí thư chi đoàn như Nghị quyết HĐND TP đã thông qua…
- Thiếu kinh phí thì việc tổ chức các hoạt động Đoàn cũng khó thu được hiệu quả cao. Ý kiến của chị về vấn đề này?
- Tôi đã trưởng thành và trải qua thực tế công tác từ cơ sở nên thấy cán bộ phản ánh khó khăn về kinh phí tổ chức hoạt động Đoàn là đúng. Nhưng quan trọng là tính năng động của cán bộ Đoàn để vượt qua khó khăn đó thế nào. Cứ ngồi để chờ “sung rụng”, khi nào có nguồn kinh phí mới làm thì không được. Ở đây liên quan đến tố chất của người cán bộ. Nếu cán bộ có tâm huyết, năng động, tìm tòi, mở rộng các mối quan hệ thì mới hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Đoàn. Nếu như ỷ lại, thụ động thì bao giờ người ta cũng bao biện bằng lý do… thiếu kinh phí.
Nhanh chóng giải quyết những bất cập
- Chuyện… “đầu tiên” là rất quan trọng, nhưng chúng tôi lại muốn đề cập tới một khía cạnh khác, đó là vấn đề con người. Và như chị vừa nói, chỉ có cán bộ Đoàn tâm huyết mới có thể thu hút, tập hợp đoàn viên đến với phong trào.
- Thực ra công tác cán bộ từ TP xuống đến cơ sở là bài toán chúng tôi trăn trở rất nhiều. Theo đánh giá của nhiệm kỳ trước là một bộ phận cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, thẳng thắn nhìn nhận là quá nửa số cán bộ Đoàn hiện nay không đáp ứng được yêu cầu. Ở đây, từ thực tiễn hoạt động cấp xã trở lên cho thấy, cũng có một bộ phận cán bộ giàu tâm huyết, có năng khiếu, muốn làm Đoàn để thực sự là thủ lĩnh thanh niên trong thu hút, tập hợp và đem đến quyền lợi chính đáng cho thanh niên. Nhưng cũng có một bộ phận đến với Đoàn như là bước đệm, chỗ trú chân với những động cơ phấn đấu không trong sáng. Bên cạnh đó còn một bộ phận cán bộ không bảo đảm yêu cầu, chưa được cấp ủy luân chuyển phù hợp...
- Chúng ta phải giải quyết những bất cập này như thế nào?
- Trong nhiệm kỳ mới, Thành đoàn Hà Nội sẽ tham mưu cho Thành ủy ban hành hướng dẫn thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn trên địa bàn TP Hà Nội. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai đồng bộ công tác cán bộ Đoàn từ thành phố tới cơ sở để giải quyết được những bất cập hiện nay.
- Chị có thể cho biết cụ thể hơn về một số vấn đề sẽ được đề cập trong quy chế quan trọng này?
- Chúng tôi đề xuất trong quy chế cần nêu rõ tiêu chuẩn, chức danh, độ tuổi của cán bộ Đoàn. Cụ thể là như thế nào thì Thành đoàn Hà Nội sẽ tham mưu với Thành ủy tiến hành điều tra, khảo sát, nắm bắt thực trạng cán bộ Đoàn cả về trình độ, năng lực để có thể đưa ra những tiêu chí đáp ứng yêu cầu công tác. Vấn đề nữa là trong quy chế phải quy định rõ ràng, khi giới thiệu, bổ nhiệm bí thư, phó bí thư cấp huyện và tương đương thì cấp ủy cùng cấp phải có ý kiến thống nhất với Đoàn cấp trên. Vừa qua, quy trình bổ nhiệm, bầu bí thư, phó bí thư cấp huyện và tương đương các quận, huyện ủy cũng gửi văn bản xin ý kiến từ Thành đoàn. Cũng có trường hợp Thành đoàn trả lời không đồng ý với lý do cán bộ không qua cơ sở, không có thực tiễn về phong trào thanh niên. Việc trả lời thẳng thắn như vậy cũng khiến nhiều cấp ủy tự ái vì cho rằng cán bộ do cấp ủy quản lý. Nói thế để thấy chúng tôi cũng rất quyết liệt trong công tác cán bộ.
Cán bộ Đoàn phải biết lắng nghe và chia sẻ
- Tập trung mọi hoạt động hướng về cơ sở cũng có nghĩa là phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ sở Đoàn đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn?
- Vâng! Hướng về cơ sở không chỉ là giao đầu việc cho cơ sở đăng cai mà còn phải có giải pháp đồng bộ, hoạt động thực chất, lan tỏa cho đoàn viên, đồng thời phải xem xét cơ sở có hưởng ứng và đoàn viên có tham gia không? Tổ chức, thiết kế hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của đoàn viên thanh niên. Tôi muốn nói đến góc độ lắng nghe và chia sẻ của cán bộ Đoàn với thanh niên. Cán bộ Đoàn phải gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại thường xuyên thì mới biết thanh niên đang cần gì ở Đoàn và Đoàn cần làm gì cho họ. Hoạt động không chỉ là một chiều mà chúng tôi cần phải biết lắng nghe và chia sẻ với suy nghĩ của các bạn đoàn viên.
- Chị có thể ví dụ cụ thể một hoạt động trong thời gian tới để minh chứng cho điều này?
- Chúng tôi đang thiết kế sân chơi “Điểm hẹn thanh niên” để tổ chức đối thoại giữa cán bộ Đoàn các cấp với thanh niên. Điểm mới là sân chơi này hoàn toàn không có kịch bản định sẵn, từng đoàn viên đều có thể đưa ra ý kiến hoặc chất vấn và chúng ta sẽ đối thoại với nhau để làm rõ từng vấn đề.
- Dư luận cho rằng, thời gian qua Đoàn Thanh niên TP dành quá nhiều thời gian cho tổ chức các sự kiện, ít sâu sát cơ sở. Chị nghĩ sao về điều này?
- Việc tổ chức nhiều sự kiện, thông qua đó nâng cao uy tín của Đoàn, tạo sự lan tỏa, đồng hành các nguồn lực giúp Đoàn triển khai các hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, giai đoạn mới, để phát triển bền vững thì cần chú trọng củng cố tổ chức, hoạt động ngay từ cơ sở, các chi đoàn. Đó chính là nền tảng tạo nên sức mạnh của cả hệ thống công tác Đoàn.
- Hiện Thành đoàn Hà Nội đang xây dựng cuộc vận động “3 xây - 3 chống”, cụ thể là như thế nào? Điều đó giúp gì cho đội ngũ cán bộ Đoàn?
- “3 xây” ở đây là xây dựng kỷ luật, nói thật làm thật, thực chất và hiệu quả, không xa rời thực tiễn. “3 chống” là chống bệnh hình thức, bệnh thành tích và bệnh quan liêu. Hiện nay hoạt động Đoàn vẫn chạy theo thành tích, làm theo hình thức và cán bộ Đoàn vẫn quan liêu, báo cáo hay, nói thì bài bản quy củ, nhưng thực chất là nhiều việc ngồi trong văn phòng tự nghĩ ra rồi tổng kết lại. Chúng tôi mong muốn qua thực hiện cuộc vận động, cán bộ Đoàn khi đưa ra các vấn đề đều là từ thực tiễn, nội tại cơ sở đoàn của mình, từ khảo sát, nhận định, đánh giá của mình chứ không phải xuất phát từ cảm quan, kinh nghiệm cá nhân hay nhắc lại những việc mọi người thường đề cập.
- Như vậy các hoạt động Đoàn mới thiết thân với thanh niên. Cụ thể việc đồng hành với đoàn viên trong tạo việc làm, lập nghiệp sẽ có gì mới?
- Thời gian qua các ngày hội việc làm tổ chức khá đều đặn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu do thiếu điều tra, khảo sát nhu cầu của lớp trẻ theo nhóm ngành nghề để mời doanh nghiệp phù hợp tuyển dụng. Tính năng động của Đoàn cũng chưa được phát huy, vẫn trông chờ nguồn lực bên ngoài, nguồn sẵn có từ những doanh nghiệp trẻ chưa được tận dụng. Tới đây chúng tôi sẽ có khảo sát kỹ giữa cung và cầu để tạo cơ hội cho hai bên gặp nhau…
- Cảm ơn chị về những vấn đề trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.