(HNM) - Gần đây, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận các nạn nhân bị chó cắn thương tâm, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Bé Bảo N. (5 tuổi, huyện Gia Lâm) được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phẫu thuật thẩm mỹ vành tai. |
"Sát thủ" từ chính chó nhà
Dư luận chưa hết bàng hoàng về trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong thì những ngày qua, tại các bệnh viện liên tiếp cấp cứu cho các trường hợp bị chó cắn đứt rời môi, nát tay...
Đơn cử như trường hợp bé trai 7 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng mặt có nhiều vết thương, khuyết nửa môi trên… Do phần môi đứt rời bị dập nát lại không được gia đình bảo quản đúng cách nên các bác sĩ không thể nối vi phẫu trồng lại môi cho bệnh nhân.
Tương tự, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một bệnh nhân 10 tuổi (ở Hưng Yên), được người nhà đưa đến trong tình trạng chó nhà cắn nát tay, có cả vết thương sau gáy. Theo gia đình bệnh nhi, khi cho chó ăn, cậu bé bất ngờ bị chó xông vào cắn.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ vành tai cho bé trai Bảo N. (5 tuổi, ở huyện Gia Lâm) bị chó nhà cắn rách tai khi đang đùa nghịch và cưỡi lên lưng con chó. Còn tại Khoa Tạo hình - Sọ mặt (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi năm tiếp nhận và phẫu thuật từ 10 đến 15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.
Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, người lớn không cẩn thận để trẻ bị chó cắn là một điều đáng trách. Có những trường hợp bị chó cắn để lại những vết sẹo vĩnh viễn và phải phẫu thuật tạo hình rất nhiều lần.
“Trong trường hợp không may bé bị chó cắn thì người nhà phải lập tức rửa sạch phần tổn thương bị đứt rời và cho vào túi ni lông sạch, rồi để vào túi nước đá trước khi mang đến bệnh viện cùng bệnh nhân để được nối ghép kịp thời…”, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan lưu ý.
Không nên mạo hiểm chờ đợi
Không chỉ gây ra những tai nạn thương tâm, khi bị chó cắn còn có nguy cơ mắc và tử vong do bệnh dại nếu không được tiêm phòng kịp thời. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên toàn thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 35 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 18 tỉnh, thành phố.
Điều đáng nói là 100% các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Trong khi bệnh dại vẫn là bệnh có số người tử vong cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác ở nước ta.
Bé trai 7 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức sau khi bị chó cắn. |
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, thời gian phơi nhiễm vi rút dại, ủ bệnh ở mỗi người khác nhau. Có những người sau 20-30 ngày bắt đầu lên cơn dại, có những người lâu hơn mới biểu hiện bệnh. Đa phần khi vết thương chó cắn đã liền da, người bệnh vẫn bình thường nên càng chủ quan không nghĩ là chó dại cắn.
Đến khi lên cơn dại, sợ gió, sợ nước thì mọi chuyện đã quá muộn, không còn cách gì cứu chữa. Vì vậy, nếu không may bị chó cắn, nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Không nên mạo hiểm chờ đợi vì nhiều con chó sau 2-3 tuần cắn người mới phát bệnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), khi bị chó dại cắn, không phải 100% số người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Nguy cơ nhiễm bệnh dại tùy thuộc lượng vi rút trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên, không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Khi đã phát bệnh dại, tỷ lệ tử vong là 100%, vì vậy, tất cả những người bị chó nghi dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bởi vì hằng năm tại nước ta vẫn có những trường hợp chết oan vì tin lời thầy lang, chữa bệnh dại bằng các biện pháp dân gian, bằng thuốc nam…
Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan khuyến cáo, những ca tử vong do bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu thực hiện ba biện pháp chính, gồm: Tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn. Riêng tại mỗi gia đình, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với "thú cưng" nuôi trong gia đình như chó, mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cố gắng giữ trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là với chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương...
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút hoặc phải xối rửa vết thương bằng nước sạch và tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% nhưng không được băng kín vết thương. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.