Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 6/8, tổng thiệt hại do 2 cơn bão vừa qua gây ra ước tính trên 6.502 tỷ đồng.
Ngày 8/8, tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2 do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 6/8, tổng thiệt hại do 2 cơn bão vừa qua gây ra ước tính là trên 6.502 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, cơn bão số 1 đã gây thiệt hại lớn về tính mạng con người và tài sản của nhân dân. Cụ thể, đã có 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương, 2.989 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 1.316 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng tại các khu vực cửa sông.
Biển hiệu quảng cáo tại Thường Tín (Hà Nội) bị gió bão quật đổ. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Theo thống kê, đã có 216.194 ha lúa bị ngập; trong đó, có 54.802 ha bị thiệt hại và 17.575 ha mất trắng; rau màu bị hư hại 28.372 ha; 587.402 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 22.744 ha và 302 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 31.594 cột điện bị gãy, nghiêng đổ… ước tổng thiệt hại khoảng 6.442 tỷ đồng.
Cơn bão số 2 cũng gây thiệt hại khoảng 10.226 ha lúa và 1.114 ha hoa màu; 463 con gia súc; 1.733 con gia cầm; 1.027 ha nuôi trồng thủy sản… ước tổng thiệt hại trên 266 tỷ đồng.
Nam Định là 1 trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề sau 2 cơn bão đi qua, ước tổng thiệt hại trên 3.100 tỷ đồng. Hàng nghìn héc ta nuôi trồng thủy sản mất trắng. Nhiều công trình hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Thái Bình cũng thiệt hại ước tính hơn 2.000 tỷ đồng…
Ngay sau khi cơn bão đi qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão. Đồng thời tăng cường vận hành các trạm bơm tiêu úng, các cống tiêu; kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập; hướng dẫn các địa phương tập trung tiêu úng đối với diện tích lúa bị ngập, gieo trồng bổ sung diện tích bị thiệt hại và chăm sóc diện tích lúa bị ảnh hưởng… Tính đến ngày 6/8, đã cơ bản tiêu úng cho các diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn việc chăm sóc, khôi phục sản xuất đối với những diện tích bị thiệt hại tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; rà soát các công trình đê điều, hồ chứa trọng điểm, xung yếu; chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo an toàn công trình trong các trận thiên tai tiếp theo. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai các cấp; trong đó có lũ quét, sạt lở đất…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, kinh nghiệm rút ra sau bão là sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, do đó bước đầu đã hạn chế được thiệt hại do bão gây ra. Các tỉnh đã kêu gọi được trên 10.000 tàu , thuyền vào bờ tránh bão kịp thời; Đặc biệt, phương châm “4 tại chỗ” đã được các địa phương triển khai một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi được kiểm tra trước khi bão đổ bộ vào đất liền nên công tác khôi phục sản xuất sau bão đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng sau hai cơn bão này, công tác dự báo cần phải được nâng cao hơn, kể cả về tiềm lực vật chất như trang thiết bị, máy móc, số trạm đo đếm, dự báo cần phải được tăng cường hơn nữa. Công tác đào tạo nguồn nhân lực về dự báo bão cũng cần được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp với quốc tế phải được tăng cường hơn để công tác dự báo được sát với thực tế hơn nữa.
“Bên cạnh đó, cần rà soát lại phương châm “4 tại chỗ”. Đối với công tác phục hồi sản xuất, nếu Đồng bằng sông Hồng thường xuyên phải đối phó với mưa bão thì dứt khoát trong chỉ đạo sản xuất lúa Mùa phải có 5% dự phòng bằng mạ. Nếu tuân thủ nguyên tắc này thì chúng ta sẽ không bị lúng túng khi bị ngập úng. Ngoài ra, tất cả các thiết chế hạ tầng cũng phải thiết kế lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Các phương án dự phòng cần phải được rà soát lại, công tác tuyên truyền phải được triển khai mạnh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng công tác phòng, chống hoàn lưu sau bão, khắc phục sau bão tại khu vực miền núi phía Bắc đang là vấn đề quan trọng. Bởi tại khu vực này có tới gần 20.000 điểm có nguy cơ sạt lở; trong đó có khoảng 2.000 điểm nguy cơ sạt lở rất cao. Do đó, công tác này cần phải triển khai manh hơn nữa để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.