(HNM) - Nắm bắt nhu cầu tìm việc làm thêm tại nhà, các website, Facebook cá nhân liên tục đăng tải tìm người làm việc tại nhà rất hấp dẫn như: Không cần bằng cấp, lương cao. Nhưng đi kèm với những quảng cáo đầy mật ngọt đó là yêu cầu nộp tiền đặt cọc... Để rồi, khi người lao động "sập bẫy" đặt tiền đặt cọc, các đối tượng này biến mất. Dù đã có nhiều người bị lừa nhưng rất ít người tố cáo với cơ quan chức năng... Đây chính là kẽ hở, tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp tục lừa đảo.
Đa dạng các hình thức lừa đảo
Phản ánh với Báo Hànộimới, Nguyễn Thu Huyền, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Văn hóa cho biết, cô nhận làm thêm xâu vòng tại nhà qua thông tin trên nhóm Facebook "Tìm việc làm sinh viên", lương xâu 1kg hạt là 350.000 đồng, đặt cọc 1 triệu đồng. Sau khi hoàn thành việc, Huyền liên lạc với tài khoản Facebook tên "Giau Tran" để trả hàng, nhận tiền công thì tài khoản đã biến mất. Huyền lần tìm địa chỉ, nhưng tài khoản cung cấp trước đó đã không còn tồn tại.
Tàn nhẫn hơn, các đối tượng còn "nhắm" đến nhóm lao động yếu thế là người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Ng. ở thị xã Sơn Tây đã vui mừng khi đọc được thông tin tuyển dụng: "Cần tìm người làm thêm, việc nhẹ phù hợp mẹ bỉm sữa, người khuyết tật..." trên Facebook. Tìm hiểu tài khoản Facebook này, chị Ng. yên tâm khi thấy đăng tải hình ảnh người khuyết tật nhận lương, thưởng cao. Vì thế, chị Ng. nhận việc và làm theo hướng dẫn: Đăng ảnh quảng cáo cho kem đánh răng, nước rửa bát... trên Facebook, sau đó chụp lại màn hình chứng minh việc đã làm để nhận tiền công 200.000 đồng.
Tiền chưa được nhận nhưng chị Ng. lại liên tiếp nhận được tin nhắn và các bình luận hỏi mua hàng. Khi chị Ng. thấy nhiều tài khoản hỏi mua hàng và được tài khoản Facebook kia nhắn tin động viên sẽ chiết khấu mỗi sản phẩm 20% và tăng lên 40% nếu bán trên 100 sản phẩm, nên chị Ng. đã ôm hàng về bán. Sau khi bỏ tiền ra ôm một lượng hàng nhất định, chị Ng. mới "tỉnh" khi các số điện thoại, tài khoản hỏi mua hàng trước đó đều đồng thời biến mất; còn lời hứa chuyển 200.000 đồng từ Facebook kia cũng bặt tăm. Như vậy, chị Ng. đã mất oan toàn bộ số tiền mua sản phẩm của tài khoản Facebook này.
Trường hợp chị Lê Thị H. (huyện Gia Lâm) là người khuyết tật nặng, được thuê cào thẻ nạp điện thoại. Sau khi đóng 500.000 đồng chị bị yêu cầu phải đến công ty làm việc, dù trước đó đã nói rõ tình trạng sức khỏe chỉ có thể làm tại nhà. Khi liên lạc, Facebook ảo kia đã biến mất...
Tỉnh táo để cứu chính mình
Hiện tượng lừa đảo nói trên không mới. Tháng 4-2018, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã điều tra và đề nghị truy tố trước pháp luật nhóm đối tượng có hành vi thành lập văn phòng, đăng báo tuyển dụng lao động trên các trang tin muaban.net, Jobsvietnam.vn tuyển lái xe và phụ xe, thu tiền đặt cọc 1 triệu đồng/người... Có 46 lao động bị chiếm dụng 85,9 triệu đồng và 6 đối tượng bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Song, thông tin này cũng chưa đủ sức cảnh tỉnh người lao động vì hành vi lừa đảo diễn ra rất đa dạng, phức tạp.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây cho biết, ông đã tìm cách liên lạc với những người khuyết tật có mặt trong ảnh nhận thưởng trên Facebook đã lừa chị Ng. thì phát hiện họ cũng bị lừa mời đến tham dự sự kiện và không được trả bất cứ chi phí nào. Các đối tượng đã dùng hình ảnh người khuyết tật thành công để làm "mồi nhử" lao động khác. Theo ông Trần Quốc Nam, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp Hà Nội) đã trợ giúp người khuyết tật thông qua việc thu thập chứng cứ, lập vi bằng và đã lấy lại được tiền cho họ. Đa số các vụ việc là hòa giải, bồi hoàn tiền mà chưa có trường hợp tố tụng nào.
Cảnh báo về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, nhiều đối tượng đã gửi thư rác đăng tin tuyển dụng vào hộp thư điện tử của nhiều người, sau đó yêu cầu lao động nộp tiền đặt cọc. Vì vậy, người lao động cần tỉnh táo, kiểm tra tư cách pháp nhân của công ty, trụ sở, không nên đặt cọc tiền ngay. Đặc biệt, cần cẩn trọng với các công việc thủ công như lắp bút bi, vẽ tranh... Vừa qua, trên website chính thức của Tập đoàn Thiên Long đã đăng cảnh báo, có một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa tập đoàn để đăng tin tuyển nhân viên gia công lắp ráp bút bi Thiên Long trên các trang mạng xã hội, Facebook. Thủ đoạn của chúng là yêu cầu chuyển tiền đặt cọc trước rồi nhận việc làm, sau đó xóa toàn bộ dấu vết và biến mất. Thực tế, Thiên Long không có bất kỳ thông báo tuyển nhân viên trên bất kỳ trang mạng xã hội nào.
Về thực tế nêu trên, Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết, chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo tiền đặt cọc của người lao động trực tuyến. Thực tế, số vụ việc mà lao động đến tố cáo với cơ quan công an không nhiều do tâm lý ngại vì số tiền bị chiếm đoạt không lớn, họ thường chọn giải pháp... bỏ qua. Nắm bắt tâm lý này nên các đối tượng đã trót lọt nhiều vụ lừa tiền. Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người lao động không liên hệ qua các tài khoản trên mạng xã hội mà chưa xác định được tính an toàn. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo thì lưu thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan công an điều tra. Khi đã lỡ chuyển tiền, phát hiện bị lừa đảo cần báo ngay cho ngân hàng để phong tỏa tài khoản.
Việc lợi dụng lòng tin của người lao động để thu tiền đặt cọc không mới nhưng vẫn có nhiều người bị "sập bẫy". Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn và xử lý triệt để.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.