(HNMO) - “Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc. Khi nền tảng văn hóa vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững” là quan điểm được đưa ra tại Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022.
Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cùng nhiều ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức vào ngày 3-12, với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng.
Văn hóa - trợ lực quan trọng phát triển kinh tế
Là hoạt động được tổ chức thường niên, Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022 nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy, trợ lực quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế; thiết thực thực hiện có hiệu quả Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh”; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế - xã hội” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp được xem như "trái tim của nền kinh tế", đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, văn hóa đóng vai trò nền tảng, quyết định sự tăng trưởng ổn định và bền vững thông qua những giá trị cốt lõi, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, giúp doanh nghiệp nâng tầm trong các hoạt động xây dựng, củng cố uy tín, thương hiệu.
“Đất nước ta đang trong giai đoạn đối mặt với nhiều cơ hội, thách thức đan xen từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chúng ta lựa chọn phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, để không chỉ có những doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh, vươn tầm khu vực và thế giới, mà còn nhằm mục tiêu mỗi doanh nghiệp là một đại sứ quảng bá, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Với ý nghĩa đó, Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022 là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Văn hóa cần trở thành “bộ gen” của doanh nghiệp
Tại diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh cho rằng, trong một thế giới thay đổi nhanh và khó dự báo như hiện nay, văn hóa kinh doanh càng thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ, lực đẩy” quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và tiếp tục phát triển. Thực tế hai năm qua đã chứng minh, văn hóa kinh doanh giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ của thị trường và đại dịch Covid-19, bên cạnh nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.
Chủ tịch Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội, PNJ thành lập một Ủy ban Phòng, chống dịch Covid-19 để chăm sóc sức khỏe cho nhân viên và người thân của họ, giúp tập thể người lao động ổn định sức khỏe, tâm lý, yên tâm cống hiến. Cùng với đó là chương trình “Siêu thị mini 0 đồng” với hàng chục mô hình cung cấp các mặt hàng thiết yếu, tặng đồng bào bị ảnh hưởng từ đại dịch, những bệnh nhân xóm chạy thận, lao động nghèo, sinh viên bị “mắc kẹt” tại ký túc xá… trên khắp cả nước.
Cũng theo bà Cao Thị Ngọc Dung, văn hóa cần được xem như “bộ gen” - một bản sắc định hình doanh nghiệp. Những giá trị này cũng không bất biến, mà cần được xem xét, điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn cho phù hợp, thích ứng với thời đại.
Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho rằng doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội, cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới và có thể bứt phá. Trong hội nhập cũng cần nuôi khát vọng cống hiến cho việc bảo vệ và phát triển nền văn minh, sự thịnh vượng của toàn nhân loại.
Mong muốn có thêm những chính sách động viên, khích lệ cụ thể hơn, nhất là về văn hóa để các doanh nghiệp thêm phấn khởi, nỗ lực hơn nữa, nhiều đại biểu cũng đề nghị Đảng, Nhà nước có những chính sách cụ thể, rõ nét hơn để hỗ trợ những doanh nghiệp thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp; tin tưởng và trao cho các doanh nghiệp Việt Nam làm những việc lớn và khó; có những hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ tôn vinh và trao chứng nhận cho 24 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.