(HNMO) - Virus Zika đang lây lan với tốc độ đáng báo động, nhất là ở các nước châu Mỹ, và khiến hàng ngàn trẻ em sinh ra kém phát triển não bộ.
Một số vùng trên thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Các bác sĩ mô tả đây là “một đại dịch bùng phát”. Phụ nữ có thai được khuyến cáo không nên đến những vùng đang có dịch để bảo vệ sức khỏe thai nhi.
Nguồn gốc căn bệnh
Ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận do virus Zika gây ra là Uganda vào năm 1947. Một vài trường hợp nhỏ lẻ cũng từng được ghi nhận tại châu Phi, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương.
(Ảnh: AP) |
Tháng 5/2015, các ca nhiễm bệnh trở lại tại Brazil và một số nước khác thuộc châu Mỹ như Colombia, El Salvador, Guatemala, Mexico, Paraguay, Venezuela…
Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết: “Sự tái xuất hiện và bùng phát của đại dịch này là một điều vô cùng đáng lo ngại”.
Con đường lây lan?
Loại virus này lây truyền từ người sang người thông qua một loại muỗi phổ biến tại châu Mỹ có tên khoa học là Aedes aegypti, cũng gây lan truyền bệnh sốt xuất huyết và virus chikungunya. Không giống như muỗi truyền bệnh sốt rét thông thường, loại muỗi này chủ yếu hoạt động vào ban ngày. Bởi vậy, các biện pháp phòng tránh đơn giản như mắc màn khi ngủ cũng không đem lại tác dụng phòng bệnh hữu hiệu.
Mức độ nguy hiểm
Tỷ lệ tử vong do nhiễm virus Zika là rất hiếm. Chỉ có khoảng 1 trong 5 người nhiễm virus có các biểu hiện: Sốt nhẹ, viêm kết mạc (đỏ mắt, đau mắt), đau đầu, đau khớp, phát ban.
Hiện chưa có loại vắc-xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị hiệu quả cho người nhiễm virus Zika. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể.
Tuy nhiên, tác động nguy hiểm nhất của loại virus ngày là đối với thai nhi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh “ăn não” ở trẻ mới sinh. Đó là khi trẻ sinh ra với phần đầu nhỏ bất thường và thường đi kèm với việc não bộ phát triển không bình thường.
Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này tùy theo thể trạng của thai phụ và trẻ sơ sinh. Một số trường hợp có thể dẫn tới tử vong bởi não kém phát triển và không thể tự điều chỉnh các chức năng quan trọng đối với cuộc sống.
Trẻ mắc bệnh còn phải sống với nhiều kiếm khuyết về mặt trí tuệ và chậm phát triển.
(Ảnh: AP) |
Brazil đã ghi nhận chưa tới 150 ca mắc bệnh “ăn não” trong năm 2014, nhưng có tới 4.000 trường hợp mắc bệnh chỉ tính từ tháng 10/2015.
Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể về mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh “ăn não”, nhưng một số trường hợp trẻ sơ sinh tử vong đã tìm thấy virus trong não và không hề có lời giải thích nào khác cho hiện tượng này.
Biện pháp
Bởi hiện chưa có thuốc chữa trị nên biện pháp duy nhất là phòng ngừa và tránh để bị muối đốt. Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân hãy sử dụng thuốc chống côn trùng và mặc quần áo dài tay. Bên cạnh đó, cần giữ cho mỗi trường sống sạch sẽ và thoáng mát, tránh để nước đọng trong thùng, xô, chậu.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai không nên đến các khu vực đang chịu ảnh hưởng của virus Zika.
Bộ trưởng Y tế Brazil cho biết một loạt thử nghiệm mới đang được tiến hành để phát triển loại vắc-xin phòng chống hữu hiệu. Một số nhà khoa học cũng đang nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm muỗi vô trùng biến đổi gen với mục đích làm giảm 90% quần thể muỗi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.