Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Hạ Yến| 07/10/2021 09:54

(HNMCT) - Nhiếp ảnh, bằng sự phản ánh khách quan và chân thực, là nguồn sử liệu quý báu. Trong đó, sách ảnh về Hà Nội ra đời những năm gần đây là một minh chứng, tiếp nối và bồi đắp sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật, yêu lịch sử, đồng thời nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu Hà Nội.

Một bức ảnh về Hà Nội qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt trong triển lãm “Hà Nội 1967 - 1975” và cuốn sách ảnh cùng tên.

Lịch sử trong từng bức ảnh xưa

Năm 2004, một triển lãm ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) được tổ chức tại Hà Nội, mang đến thông tin thú vị cho người xem. Triển lãm giới thiệu hơn 70 bức ảnh của cụ Thân Trọng Ninh, người 50 năm trước là sinh viên học tại Hà Nội và đã chụp được những bức ảnh lịch sử trong 2 ngày mùng 9 và 10-10-1954.

Từ những bức ảnh gợi cảm hứng ấy, ý tưởng tìm kiếm nguồn tư liệu ảnh trong các album gia đình đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, đặc biệt là các gia đình ở khu phố cổ, phố cũ Hà Nội. Trong cuốn sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”, các tác giả của cuốn sách chia sẻ: “Chúng tôi không quên được lời thảng thốt của Giáo sư Trần Quốc Vượng “Ôi mẹ tôi đây này!” khi đến xem triển lãm đã nhận ra trong một tấm ảnh của ông Ninh, gương mặt bà mẹ của mình đứng trong đám đông đón chào đoàn quân giải phóng ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm”...

Kể lại câu chuyện này để thấy sức mạnh tinh thần ẩn sau mỗi bức ảnh giá trị biết bao nhiêu. Chẳng thế mà sau cuộc triển lãm, bộ sưu tập ảnh về ngày tiếp quản Thủ đô ngày một phong phú hơn. Từng trang lịch sử được tái hiện qua mỗi bức ảnh. Đó là cảnh Hà Nội khi người Pháp rút quân, là không khí Hà Nội phút giao thời, là thời khắc chuẩn bị tiếp quản, là cảnh dân chúng từ nội thành đến ngoại ô, từ già đến trẻ hân hoan đón chờ đoàn quân giải phóng... Những bức ảnh đó là “nhân chứng” cho những giờ khắc lịch sử của Hà Nội.

Sau triển lãm, việc biên soạn cuốn sách về sự kiện 10-10-1954 đã trở nên cần thiết để có thể lưu giữ, lưu truyền tư liệu ảnh vô giá. Và cuốn sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” đã được ra đời vào dịp 10-10-2009. Độc giả được biết về những người Hà Nội “cũ” là “tay chơi” ảnh nổi danh một thời như ông chủ hiệu ảnh Quốc tế Phan Xuân Thúy, nhiếp ảnh gia Hữu Cấy, kiến trúc sư Đặng Trần Phát...

Mỗi bức ảnh về Hà Nội xưa hay hôm nay, được chụp bởi tác giả chuyên nghiệp hay không chuyên, đều là tư liệu vô giá về Hà Nội cho hôm nay và mai sau.

Giới thiệu những khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô, lưu giữ và lưu truyền những giá trị đó có lẽ là mục tiêu của nhiều cuộc triển lãm và các cuốn sách ảnh về Hà Nội ra mắt những năm gần đây. Khi internet ngày càng phát triển, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng thì những giai đoạn lịch sử tưởng chỉ có thể biết đến qua sách vở và những thước phim, nay dần tái hiện qua kho tư liệu ảnh phong phú và chân thực của những người nước ngoài, là các phóng viên, chuyên gia, bác sĩ... từng đến Việt Nam. Một số trong đó đã được lựa chọn in thành sách. Đó là một “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” qua góc máy của nhiếp ảnh gia người Pháp Pierre Dieulefils. Cuốn sách ảnh về Đông Dương của ông xuất bản từ năm 1909, được trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910, và gần đây đã được dịch, giới thiệu đến công chúng Việt.

Đó còn là một Hà Nội thời chiến chân thực, bình dị, đầy cảm xúc qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt trong triển lãm và qua cuốn sách ảnh cùng tên “Hà Nội 1967 - 1975”. Và một Hà Nội thanh bình trong những năm 1980 - 1982 khi nhà ngoại giao người Anh John Ramsden đến Hà Nội trong vai trò Phó Đại sứ tại Việt Nam. Chọn lựa 110 bức ảnh trong số 1.700 bức ảnh ông chụp tại Việt Nam, cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời” mang đến những tư liệu quý về Hà Nội giai đoạn trước Đổi mới. Với những người từng sống ở Hà Nội vào quãng thời gian này, mỗi tấm ảnh của John Ramsden gợi một phần ký ức đã ít nhiều phai mờ qua năm tháng.

Còn có nhiều sách ảnh khác về Hà Nội xưa, như sách song ngữ “Ký ức thời Bao cấp”, “Việt Nam - những hình ảnh xưa”, “1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, “Hà Nội xưa”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội”, “Hình ảnh Hà Nội (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)”, “Nét xưa Hà Nội”, “Paris Saigon Hanoi - Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944 - 1947”, "Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội”, “Trẻ em thời chiến”...

Mỗi bức ảnh về Hà Nội xưa hay hôm nay, được chụp bởi tác giả chuyên nghiệp hay không chuyên, đều là tư liệu vô giá về Hà Nội cho hôm nay và mai sau.

Kể chuyện Hà Nội trong từng bức ảnh hôm nay

Sự nở rộ của mạng xã hội giúp những bức ảnh về Hà Nội được lan tỏa rộng rãi, nhưng vẫn luôn có những độc giả yêu Hà Nội và yêu sách đón đợi những cuốn sách ảnh về Hà Nội được xuất bản. Bởi thế, sách ảnh về Hà Nội không chỉ có hai màu đen - trắng của những bức ảnh xưa, mà còn là một Hà Nội lung linh qua những bức ảnh màu của thời hiện đại.

Năm 2019, khi Thủ đô phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào Hà Nội” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chỉ sau 9 tháng, đã có 2.659 tác phẩm được gửi đến. 430 tay máy chuyên và không chuyên của 8 quốc gia đã gửi vào từng bức ảnh tình yêu Hà Nội. 90 tác phẩm trong đó, gồm cả ảnh bộ và ảnh đơn, ghi lại những khoảnh khắc đẹp về “một Hà Nội năng động với nhịp sống mới nhưng vẫn luôn giữ được nét thanh lịch, văn minh” đã được lựa chọn để in trong cuốn sách ảnh “Tự hào Hà Nội”. Những lát cắt đầy tính nghệ thuật và giàu cảm xúc ấy đã giới thiệu một điểm đến Hà Nội đặc sắc không chỉ với bạn bè quốc tế mà còn với chính những người đang sống ở mảnh đất này.

Mỗi bức ảnh về Hà Nội xưa hay hôm nay, được chụp bởi tác giả chuyên nghiệp hay không chuyên, đều là tư liệu vô giá về Hà Nội cho hôm nay và mai sau.

Không chú tâm khai thác góc ảnh nghệ thuật, chuyên gia về phát triển đô thị Michael Waibel lại mang đến một “bữa tiệc ảnh" hơn 600 bức trong cuốn sách “Hà Nội Capital City”. Cuốn sách phản ánh một Hà Nội muôn màu ở nhiều góc độ, từ khung cảnh tĩnh của làng mạc, công viên... đến chuyển động đô thị sống động ngày ngày... Cuốn sách ảnh của Michael Waibel đã dựng nên bức tranh toàn cảnh về Thủ đô Hà Nội, về sự phát triển của thành phố này trong nhiều năm qua. Đó cũng chính là nguồn tài liệu chân thực, sinh động cho giới nghiên cứu, các cơ quan quy hoạch, kiến trúc, du lịch... tham khảo.

Cũng quan tâm đến sự chuyển mình của đô thị Hà Nội, cuốn sách ảnh “Hà Nội, thứ tư, 10 giờ 43 phút tối” của nhiếp ảnh gia người Bỉ Wouter Vanhees là sự trả lời cho câu hỏi “Hà Nội đang thay da đổi thịt. Vậy cái hồn của thành phố thì sao?”. Cứ mỗi tối thứ tư, đúng 22h43 phút, “khi công việc, gia đình và quỹ thời gian cá nhân đạt được sự cân bằng hoàn hảo”, nhiếp ảnh gia ấy lại lên đường để lưu từng khoảnh khắc Hà Nội. Anh nhận ra thành phố này “có trật tự trong hỗn độn. Có tĩnh lặng trong náo nhiệt. Có thật nhiều sắc độ trong bóng tối. Và mọi thứ đang thay đổi quá nhanh”.

Có nhiều nhiếp ảnh gia đã và đang chụp ảnh về Hà Nội, nhưng dường như ảnh về Hà Nội càng thêm đặc biệt khi có nhiều tay máy không chuyên lưu giữ từng khoảnh khắc về mảnh đất này. Trong số đó, nhiều người chụp bằng smartphone. Mỗi bức ảnh của họ, dù đẹp hay còn khuyết thiếu về bố cục, ánh sáng thì vẫn chứa đựng thông tin giá trị.

Trong số sách ảnh về Hà Nội, không thể không nhắc đến dự án “Humans of Hà Nội” ("Con người Hà Nội") của nhóm bạn trẻ yêu nhiếp ảnh và yêu Hà Nội, mong muốn lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ của những người đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội hoặc chỉ ghé thăm mảnh đất này. Với thông điệp “Cùng chia sẻ, để chúng tôi lưu giữ câu chuyện của bạn”, mỗi tấm ảnh được đăng tải trên trang mạng xã hội của dự án đã kể một câu chuyện cảm xúc, một câu chuyện đời. Cuốn sách ảnh “Bước vào thế giới của nhau” của dự án ngay khi xuất bản đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng. 20% số tiền quyên góp từ việc xuất bản sách được dùng để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.

“Một bức ảnh thay ngàn lời nói”. Dẫu là ảnh về Hà Nội ngày xưa hay Hà Nội hôm nay, dẫu là ảnh nghệ thuật hay ảnh đời thường, được chụp bởi tác giả chuyên nghiệp hay không chuyên, thì những cuốn sách ảnh vẫn luôn là kho tư liệu vô giá về Hà Nội cho hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.