(HNM) - Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiều ý kiến đã đánh giá cao công tác đối ngoại của Thủ đô trong 5 năm qua. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất những giải pháp nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, đặc biệt là nâng cao vị thế Thủ đô trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam:
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả
Những năm qua, công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh đã góp phần tích cực khẳng định danh hiệu “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình” trong lòng bạn bè quốc tế.
Thời gian tới, bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra cho công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng những thách thức lớn. Do đó, Hà Nội cần xác định tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Để làm được điều này, thành phố cần tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại, khẩn trương thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này; tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và thực hiện tốt phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”.
Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc:
Tăng cường kết nối với kiều bào
Với cương vị là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có cơ hội được về Tổ quốc nhiều lần, tôi nhận thấy Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngay cả trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Uy tín và vị thế quốc tế của Thủ đô ngày càng tăng cao trong quá trình hội nhập. Là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, theo tôi Hà Nội cần có thêm các cách tiếp cận mới và hiệu quả hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Hiện nay, Hà Nội có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài nhưng việc quan trọng không phải là thu hút được bao nhiêu vốn mà mục tiêu hướng đến phải là chất lượng đầu tư, hàm lượng chất xám, giá trị thặng dư trong phát triển kinh tế được tạo ra từ các nguồn đầu tư đó. Muốn được như vậy thì việc chọn các “đề bài” là rất quan trọng.
Trong xu thế tất yếu của hội nhập và giao lưu quốc tế, người Việt Nam ở các nước tiếp tục tăng về lượng và chất, đa dạng về thành phần. Thế hệ thứ 2, thứ 3 trong cộng đồng ngày càng đông và được học tập, đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và tay nghề tốt. Đây chính là nguồn lực quý báu lâu dài có thể góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
Song, để thu hút nguồn lực kiều bào, Hà Nội cần từng bước cải tiến phương pháp tiếp xúc, tăng cường kết nối giữa lãnh đạo thành phố, các sở, ngành với kiều bào, từ đó mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực; tổ chức các diễn đàn, hội nghị thu hút sự quan tâm, tham gia của kiều bào hướng về quê hương, đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia đầu tư, hiến kế vào các lĩnh vực trọng điểm của Hà Nội. Bên cạnh việc về nước triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh thì kiều bào, đặc biệt là doanh nhân cũng sẽ là cầu nối hữu hiệu để thu hút những dự án đầu tư vào Thủ đô một cách hiệu quả hơn.
Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội:
Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân
Tôi nhất trí cao đối với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong đó có những nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của thành phố.
Để đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, tôi đề xuất thêm việc duy trì quan hệ với các nước bạn bè, địa phương truyền thống, nhất là các nước, địa phương trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mở rộng quan hệ với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện; tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế.
Ngoài việc tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, nên phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng và triển khai các nhiệm vụ để phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.