Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Lam Giang| 28/05/2023 06:47

(HNM) - Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương tăng tốc triển khai với nhiều điểm mới trong cách thức tiếp cận thị trường. Các hoạt động này đã góp phần khơi mở thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh đơn hàng giảm sâu.

Gian trưng bày hàng Việt Nam tại Hội chợ quốc tế My Karachi 2023 (Pakistan). Ảnh: Nguyễn Hường

Nhiều hoạt động kết nối giao thương thiết thực

Ngày 18-5 vừa qua, diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2023 được Bộ Công Thương phối hợp với bang Oregon (Hoa Kỳ), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tổ chức ở Oregon. Đại diện 200 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ khí, nông - thủy sản, logistics… đã tham gia sự kiện. Trước đó, ngày 15-5, tại thành phố Houston, bang Texas (Hoa Kỳ), Bộ Công Thương phối hợp với Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Houston tổ chức diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ 2023, với sự tham gia của 120 doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, cơ khí, nhựa, nông - thủy sản, logistics, phần mềm… Đây là những sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2023 nhằm tìm kiếm cơ hội giao thương, nắm bắt thị trường xuất khẩu trọng điểm, lớn nhất của Việt Nam này.

Ngoài ra, trong các ngày từ 4 đến 10-5, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn giao dịch thương mại, kết hợp tổ chức diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Iran tại thành phố Tehran và tham gia triển lãm quốc tế Iran Expo 2023. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm, vật liệu xây dựng, nông sản, cà phê, bánh kẹo... tham gia sự kiện.

Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tới các tỉnh Hải Nam, Sơn Đông, Vân Nam tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư, hội chợ quốc tế hàng tiêu dùng... Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam còn tham dự nhiều hội chợ, diễn đàn quốc tế uy tín dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và cơ quan liên quan như: Hội chợ quốc tế My Karachi 2023 tại Pakistan; hội chợ thực phẩm dinh dưỡng Vitafoods Europe 2023 tại Thụy Sĩ; hội chợ thủy sản toàn cầu 2023 tại Tây Ban Nha...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết: “Tham gia hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư và hợp tác kinh tế tại Sơn Đông (Trung Quốc), chúng tôi đã kết nối được với 50 đối tác mới, ký kết nhiều đơn hàng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Nhờ vậy, công ty có tăng trưởng tích cực”.

Đột phá đưa hàng Việt vào các thị trường mới

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nước ta. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng năm 2023 giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Vì thế, xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Sát cánh cùng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu, vừa nỗ lực duy trì thị trường truyền thống, trọng điểm, vừa phát triển thị trường gần (như các nước Đông Nam Á, Trung Quốc), thị trường mới (như ở các khu vực: Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh). Bộ quyết tâm đột phá đưa hàng Việt vào các thị trường có tầng lớp trung lưu gia tăng, thị trường mới nổi như: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico, Indonesia… Qua đó, hàng trăm nghìn lượt doanh nghiệp Việt Nam tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động kết nối giao thương.

Để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trần Như Tùng kiến nghị, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, thông qua hệ thống tham tán thương mại kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước, nhất là các quốc gia Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều lợi thế về ưu đãi thuế. Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng đề xuất, Bộ Công Thương tổ chức thêm nhiều hội nghị xúc tiến thương mại trực tiếp tại các quốc gia để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú kiến nghị, Chính phủ bổ sung nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại tương xứng với tăng trưởng xuất khẩu có được nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, có chiều sâu; xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa uy tín, có tầm cỡ tại các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế. Ngoài ra, cần mở rộng mạng lưới, bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho cơ quan thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời tổ chức mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại thống nhất trên cả nước…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng thị trường xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.