(HNM) -
Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học", Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra cho ngành GD-ĐT Thủ đô trọng trách to lớn. Sẽ tập trung vào những việc gì để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó chính là nội dung cuộc phỏng vấn của PV Báo Hànộimới với Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.
- Sau hơn 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành GD-ĐT vào thành tựu chung đó?
- Như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã đánh giá, 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010", quy mô GD-ĐT của Thủ đô đã được mở rộng và đi đôi với đó là chất lượng GD-ĐT được nâng cao. Bài toán mở rộng quy mô - nâng cao chất lượng sẽ luôn không có "đáp số" đúng nếu không có "cách giải" phù hợp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, toàn thành phố có hơn 2.500 cơ sở giáo dục, gần 106.000 cán bộ giáo viên, 1,5 triệu học sinh. Năm 2011 là năm thứ 3 liên tiếp, Sở GD-ĐT Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đơn vị dẫn đầu thi đua toàn quốc, được tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT, có 14 chỉ tiêu thi đua đạt xuất sắc. Tuy giữ vững vị thế hàng đầu nhưng thẳng thắn đánh giá, chúng tôi cũng thấy rằng, so với vị thế, tiềm năng của Thủ đô Hà Nội và để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô sớm hơn 1-2 năm so với các địa phương khác thì ngành GD-ĐT Hà Nội còn phải nỗ lực rất nhiều.
- Ông có thể cho biết, ngành GD-ĐT Thủ đô sẽ bắt đầu từ đâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ to lớn được đặt ra?
- Ngành đã hoàn thành Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và nếu được thành phố phê duyệt thì đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho địa phương xây dựng kế hoạch phát triển. Kế hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2015 cũng đã được xây dựng với mục tiêu chung là giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn; đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm bồi dưỡng xây dựng đội ngũ; đổi mới công tác quản lý, thực hiện tốt các cuộc vận động của ngành; từng bước xây dựng nhà trường kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa và xã hội hóa; tích cực triển khai có hiệu quả các điều kiện cho việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực GD-ĐT. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, từng ngành học, bậc học; đặt ra những vấn đề trọng tâm của từng năm học.
- Đi đầu trong phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non, PCGD trung học phổ thông và trong đào tạo - mục tiêu mà Nghị quyết 11 đặt ra cho Hà Nội có "vừa sức" với một địa phương đã từng đi đầu trong PCGD tiểu học, trung học cơ sở (THCS) không thưa ông?
- Là địa phương đầu tiên được công nhận PCGD tiểu học từ năm 1990, những năm qua, Hà Nội vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng PCGD tiểu học và đặt ra những mục tiêu cao hơn là PCGD đúng độ tuổi mức độ 1, mức độ 2; hoàn thành PCGD THCS vào cuối năm 2011. Năm năm tới, chúng tôi sẽ PCGD tiểu học đúng độ tuổi đạt 99% và tiến tới PCGD đúng độ tuổi của bậc học THCS.
Thành phố cũng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện kế hoạch PCGD THPT. Sở đã tham mưu với chính quyền các cấp kiện toàn, củng cố ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện mục tiêu PCGD THPT phù hợp với điều kiện của địa phương. Tiêu chí phổ cập cũng được đưa vào việc đánh giá toàn diện trong thi đua cuối năm. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, đa dạng các mô hình đào tạo, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu 90% dân số độ tuổi hoàn thành PCGD THPT vào năm 2015. Tuy nhiên, để hoàn thành PCGD THPT thì việc đạt các chỉ tiêu đối với quận, huyện, thị xã là có ít nhất 50% số trường tiểu học, 40% số trường THCS và có từ 1-2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây dựng trường. Tính đến cuối năm qua, mới có 30% trường THCS, hơn 11% trường THPT đạt chuẩn.
Song khó khăn nhất hiện nay là bậc học mầm non. Tính đến hết năm 2011, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu PCGD cho trẻ 5 tuổi, nhưng mới chỉ có 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và hơn 90% trẻ từ 3 đến 5 tuổi được đi học. Với những chính sách tạo bước đột phá mà thành phố dành cho giáo dục mầm non từ năm 2007 đến nay, giáo dục mầm non Hà Nội đã có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và công bằng xã hội. Hiện đã có tới 85% số trẻ mầm non theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP được Nhà nước cấp ngân sách, song vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Đây là cấp học đang thiếu nhất về số trường, lớp ở khối công lập. Theo tính toán của chúng tôi, diện tích để xây dựng trường mầm non công lập còn thiếu là 2.337.348m2. Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và duy trì hiệu quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi một cách bền vững thì đây là khó khăn lớn nhất. Nếu hai quy hoạch nói trên được phê quyệt và các quận, huyện, ban, ngành đều thống nhất ưu tiên số 1 dành quỹ đất xây dựng trường học thì mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; xóa tình trạng "trắng trường" mầm non công lập ở một số nơi như hiện nay.
- Một nhiệm vụ cũng không dễ dù yêu cầu đã được đặt ra và nhu cầu của xã hội rất lớn, đó là tiếp tục nhân rộng trường chất lượng cao ở tất cả bậc học, cấp học. Tuy nhiên, đây lại là điểm chưa mạnh của Hà Nội so với một vài thành phố lớn khác. Trong thời gian tới, ngành sẽ làm gì để điểm yếu này trở thành điểm mạnh, thưa ông?
- Từ năm 2006, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình "Phát triển một số ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao", trong đó có ngành giáo dục. Ngành GD-ĐT đã triển khai xây dựng và phát triển các mô hình giáo dục chất lượng cao và hiện đã có 15 đơn vị đăng ký xây dựng mô hình này, gồm 6 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 3 trường THCS, 4 trường THPT; trong đó 9 trường công lập và 6 trường ngoài công lập. Các đơn vị này cũng đã đạt được những kết quả bước đầu về chất lượng giáo dục, tuy nhiên vẫn thấp so với tiềm năng, nhu cầu và nhiệm vụ.
Chúng tôi nhận thức rõ, xây dựng và phát triển trường chất lượng cao là một vấn đề cấp bách nhưng là vấn đề mới, cần phải có thời gian để tiến hành đầy đủ và hiệu quả lộ trình, từ làm công tác tư tưởng nhận thức, xây dựng kế hoạch, tham mưu với các cấp để xây dựng cơ sở pháp lý, tổ chức lực lượng triển khai… Ngành sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp có thẩm quyền để hoàn chỉnh các tiêu chí đánh giá, chương trình đào tạo, cũng như đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên… Trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch mạng lưới được phê duyệt, ngành nhân rộng mô hình này sao cho mạng lưới trường học bảo đảm sự công bằng trong giáo dục mà vẫn tạo điều kiện cho những học sinh có năng lực, những gia đình có điều kiện kinh tế được đáp ứng nhu cầu. Ngành cũng sẽ tham mưu và cùng các ban, ngành chức năng xây dựng hành lang pháp lý để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm sự hợp lý giữa chi phí và chất lượng thu được.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.