(HNM) -Hầu hết ý kiến ĐB QH tán thành với quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản...
Hầu hết ý kiến ĐBQH tán thành với quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản (BĐS) nhưng cho rằng phải kèm điều kiện cụ thể. Nhiều ĐB cũng góp ý quy định về vốn pháp định với doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS, đồng thời đề nghị làm rõ vai trò của cơ quan cấp phép, thẩm định, phê duyệt dự án BĐS…
Luật Kinh doanh BĐS sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực đầu tư và tăng sức cạnh tranh cho thị trường. Ảnh: Như Ý |
Có yếu tố nước ngoài, thị trường BĐS sẽ "tan băng"?
Nhiều ĐB đánh giá cao việc dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi kinh doanh cho Việt kiều, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia trước hết nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, sau là tăng sức cạnh tranh để thị trường phát triển. Không ít ý kiến kỳ vọng, trong điều kiện thị trường BĐS trong nước đang "đóng băng", DN BĐS trong nước còn hạn chế về vốn… thì việc tham gia của DN có yếu tố nước ngoài với nhiều thế mạnh sẽ góp phần làm "ấm" thị trường BĐS. Song, bên cạnh đó, các ý kiến cũng kiến nghị ban soạn thảo phải có cơ chế để tăng cường kiểm soát, thể chế bằng các quy định cụ thể để bảo đảm lợi ích quốc gia. Các ĐB cũng đề xuất các điều kiện với DN có yếu tố nước ngoài kinh doanh BĐS tại Việt Nam như không được kinh doanh ở những khu vực "nhạy cảm" như khu vực trung tâm, khu vực biên giới, hải đảo, khu vực có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. ĐB Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) còn đề xuất, bên cạnh việc tạo sân chơi bình đẳng cho DN có yếu tố nước ngoài tham gia thì cũng phải nâng cao việc thẩm định, thủ tục phê duyệt dự án, năng lực đầu tư, quy mô dự án, vốn điều lệ… để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo này vào ngày 27-5, có ý kiến cho rằng quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 của Điều 7 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được "Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án BĐS của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự án cho phép" là không phù hợp với Luật Đất đai 2013 vì Luật Đất đai quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong phần giải trình, tiếp thu của ban soạn thảo ngày 12-6 đã lý giải: "Quy định này (trong dự thảo luật - PV) là rất cần thiết vì nó phù hợp với thực tế, sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn cho DN, cho các dự án và thị trường BĐS. Tuy nhiên, để phù hợp với Luật Đất đai 2013, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến này và dự kiến sửa đổi theo hướng cho phép các đối tượng được nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất thông qua việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất của chủ đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê đất và tiến hành giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư thứ cấp có nhu cầu nhận chuyển nhượng, thuê đất đó". Tại phiên thảo luận hội trường ngày hôm qua, các ĐB Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An), Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đã kiến nghị ban soạn thảo cần xem xét một số quy định trong dự thảo luật cho đồng bộ với các luật khác, nhằm tránh những xung đột mâu thuẫn giữa các định chế.
Tránh tình trạng "tay không bắt giặc"
Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS (Điều 8), theo quy định, DN kinh doanh phải có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. Về quy định này, đa số ĐB tán thành và có ý kiến cần phân loại dựa trên quy mô dự án thì yêu cầu về vốn pháp định có thể cao hơn, hoặc thấp hơn. Do vậy, trong báo cáo giải trình, ban soạn thảo cho rằng kinh doanh BĐS là có điều kiện nên cần thiết phải có quy định ràng buộc này, tránh để tình trạng có không ít DN không đủ năng lực vẫn tham gia để rồi không thể triển khai dự án hoặc thực hiện với tiến độ "ì ạch", hoặc DN "chạy" dự án để chuyển nhượng kiếm lời, làm "hại" thị trường… Có ĐB cho rằng, dự thảo luật phải chia ra nhiều trường hợp và tương ứng với mỗi lĩnh vực hoạt động khác nhau thì cần quy định điều kiện khác nhau đối với chủ thể tham gia. Cụ thể, với những DN kinh doanh đơn giản như thuê BĐS, cho thuê lại hoặc kinh doanh dịch vụ BĐS, đấu giá, quảng cáo, thì các tiêu chuẩn quy định như trên là phù hợp; với những DN tham gia tạo lập BĐS, đầu tư các dự án bất động sản quy mô lớn thì các điều kiện cần phải khắt khe hơn mới đáp ứng được yêu cầu. Song, đáng chú ý, theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội), quy định các trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản không nhằm mục đích kinh doanh hoặc có quy mô nhỏ thì không phải thành lập DN (khoản 2, Điều 8) là chung chung, thiếu căn cứ. ĐB Bình cho biết, thực tế trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư xây dựng chung cư mi ni nhưng không thành lập DN, HTX kinh doanh BĐS và quy định trên sẽ giúp nhà đầu tư tránh điều kiện vốn pháp định. Khi nhà đầu tư này bán hàng cũng không phải qua sàn giao dịch BĐS như quy định, như vậy, Nhà nước không thể kiểm soát được nguồn thuế từ đây, trong khi loại hình kinh doanh này cạnh tranh quyết liệt với các DN kinh doanh nhà ở. Do vậy, cần thiết phải bổ sung tiêu chí xác định kinh doanh với quy mô nhỏ và các chế tài để kiểm soát làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan đến vấn đề bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 16), nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định cần thiết nhằm gia tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo đảm tính khả thi của dự án BĐS, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo luật còn nhiều kẽ hở và thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, thực tế đã có không ít DN năng lực hạn chế, nhưng bằng cách nào đó đã "lôi kéo" được ngân hàng bảo lãnh để tham gia dự án. Nếu thị trường không thuận lợi thì hệ lụy sang cả phía ngân hàng, đương nhiên người tiêu dùng cũng vạ lây. Cho nên, các ĐB kiến nghị dự thảo luật cần làm rõ phạm vi, đối tượng được bảo lãnh; đồng thời cần làm rõ về quy định để bảo đảm chắc chắn quyền lợi cho người thuê, mua nhà ở…
ĐB Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh): Theo tôi, dự thảo luật cần thiết kế điều quy định rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể được thay mặt Nhà nước đảm nhiệm vấn đề tư vấn, cấp phép, phê duyệt, thẩm định dự án BĐS đưa vào kinh doanh để xảy ra tình trạng thị trường BĐS phát triển theo phong trào, gây lãng phí tiền bạc của chủ đầu tư, của khách hàng, đồng thời khắc phục sự kiếm lời bất chính, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ đầu tư, của khách hàng khi kinh doanh BĐS. ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Tôi đồng ý nguyên tắc phải có vốn pháp định. Tôi băn khoăn là đừng để vốn pháp định này là một loại hình thức khai cho có, sau đó không ai kiểm soát vốn pháp định ấy. Thêm nữa, các DN đầu tư kinh doanh BĐS phải đóng quỹ bảo vệ môi trường - đây là một điều mà các nhà đầu tư kinh doanh BĐS nước ngoài vào đây người ta đã đề nghị cách đây hơn chục năm, đặc biệt là ở những khu lĩnh vực kinh doanh BĐS như khách sạn, khu dân cư lớn, các resort. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.