Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình tưới tiết kiệm nước: Giải pháp chống hạn hiệu quả

Hoàng Lực| 20/04/2016 06:17

(HNM) - Tình hình hạn hán đang diễn ra rất khốc liệt ở khu vực Tây Nguyên khiến hàng trăm nghìn héc ta cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng. Trước thực trạng này, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong những giải pháp phòng chống hạn hiệu quả cho cây trồng.


Các mô hình hiệu quả cao

Mặc dù đang là đỉnh điểm của hạn hán ở Tây Nguyên nhưng vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Bá Hán ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn xanh tốt, năng suất ổn định. Lý giải về nguyên nhân, anh Hán cho biết, gia đình đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt gần 3 năm. Cách làm này cho hiệu quả rất rõ rệt, tiết kiệm 4-6 triệu đồng tiền công tưới/ha/năm, tiết kiệm được 50% lượng nước và giảm 30-35% lượng phân bón. Tương tự, anh Nguyễn Lê Trung ở xã Eahok, huyện Cư Kuin chia sẻ: Tưới nhỏ giọt giúp giữ ẩm lâu hơn, cây trồng không bị mất nước. Trong khi đó, cách tưới truyền thống tràn lên mặt ruộng sẽ tốn nước và công lao động.

Hạn hán khiến nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu tại Tây Nguyên bị ảnh hưởng.


Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiệu quả từ các mô hình tưới tiết kiệm đã rõ, nhưng không dễ nhân rộng bởi chi phí đầu tư khá lớn, khoảng 80 triệu đồng/ha. "Hiện nay toàn tỉnh có hơn 204.000ha cà phê và gần 16.000ha hồ tiêu, nhưng số hộ dân áp dụng mô hình này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay như cả huyện Cư Kuin, chỉ có gia đình anh Nguyễn Bá Hán và Nguyễn Lê Trung dám đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê và hồ tiêu" - ông Hà cho biết.

Còn ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, diện tích cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cũng rất hạn chế, khoảng 84,5ha. Trong khi đó, hạn hán đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2015 có gần 95.000ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Riêng tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong tháng 4 và tháng 5-2016, nếu không có mưa thì Đắk Lắk sẽ thiệt hại 80.000ha cây trồng, trong đó chủ yếu là cây cà phê, các cây công nghiệp và 25.000 hộ dân thiếu nước.

Đẩy mạnh ứng dụng bằng cách nào?

Trước yêu cầu cấp thiết về chống hạn, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị bàn phương cách đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất, góp phần giảm thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng ở khu vực Tây Nguyên. Theo ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, nguồn nước mặt ở Tây Nguyên chỉ đáp ứng tưới được 30-40% diện tích toàn vùng. Trong khi đó, hạn hán ngày càng gia tăng, nguồn nước ngầm suy giảm nên việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, để người dân sử dụng phổ biến công nghệ này, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời xây dựng các mô hình điểm để nông dân tham quan, học tập. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cũng cần có những gói tín dụng ưu đãi giúp nông dân vay vốn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.

Theo ông Trần Hùng, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, do nhận thức của nông dân về tưới tiết kiệm chưa đầy đủ, chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức nên còn e ngại. Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích về tài chính như: Giảm lãi suất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hướng dẫn nhân dân làm các thủ tục vay vốn, tăng hạn mức cho vay đầu tư vào hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng... Có như vậy, nhân dân mới yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất ổn định.

Để giúp nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đối phó khẩn cấp với hạn hán, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Trước tiên, cần tiết kiệm nước triệt để, tưới để duy trì và bảo vệ tối đa diện tích cây trồng hiện có. Đồng thời, tuyên truyền để nhân dân tận dụng chất hữu cơ để ủ gốc nhằm giữ ẩm, tránh thoát hơi nước. Về lâu dài, cần tăng cường các biện pháp tích trữ nước hiệu quả; hỗ trợ nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng. "Chúng ta đã thấy được hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật này ở một số mô hình ở huyện Cư Kuin. Tuy nhiên, cũng phải có những chính sách cụ thể để làm sao thúc đẩy quá trình ứng dụng kỹ thuật mới này một cách nhanh hơn và rộng khắp hơn" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT cũng đã giao Viện Khoa học thủy lợi chủ trì cùng các doanh nghiệp nghiên cứu căn bản các mô hình tưới tiết kiệm phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vùng trồng để sớm nhân rộng, phổ biến cho bà con nông dân áp dụng. Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng gói kỹ thuật để phát triển các cây công nghiệp một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình tưới tiết kiệm nước: Giải pháp chống hạn hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.