(HNM) - Hôm nay, 23-3, Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội nhiệm kỳ I được tổ chức. Bóng bàn Hà Nội sẽ có một tổ chức giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành hiệu quả, linh hoạt hơn, phát huy được nguồn lực xã hội.
Trước đại hội, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội Nguyễn Đình Lân đã chia sẻ với Hànộimới về quan điểm xã hội hóa thể thao, về sự ra đời của LĐBB Hà Nội.
Hà Nội có bề dày lịch sử phát triển môn bóng bàn. Ảnh: Bá Hoạt |
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quá trình xã hội hóa thể thao ở Hà Nội thông qua việc thành lập các liên đoàn thể thao?
- Trước tiên, phải khẳng định rằng, đẩy mạnh xã hội hóa thể thao là con đường đúng đắn để thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà trong Luật Thể thao có đề cập rất rõ vai trò, quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn Thể thao quốc gia cũng như địa phương. Trong kế hoạch phát triển TDTT Thủ đô đến năm 2020 cũng ghi rõ: “Chuyển giao từng bước các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực hoạt động TDTT cho các liên đoàn, hiệp hội TDTT… Tiến tới năm 2030, các môn thể thao của Hà Nội bảo đảm đặt dưới sự điều hành về mặt chuyên môn của các liên đoàn thể thao, theo kế hoạch và sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT địa phương”. Trong nhiều năm qua, những người quản lý thể thao Hà Nội vẫn giữ quan điểm này và tạo điều kiện tối đa để các liên đoàn thể thao ra đời. Theo tôi, cho đến thời điểm này, quá trình xã hội hóa thể thao ở Hà Nội thông qua việc thành lập các liên đoàn đang đi đúng lộ trình. Hà Nội đã có 8 liên đoàn thể thao gồm bóng đá, cầu lông, quần vợt, taekwondo, điền kinh, xe đạp, võ cổ truyền, golf. Liên đoàn Bóng bàn là Liên đoàn Thể thao thứ 9 ở Hà Nội.
- Với sự ra đời của các liên đoàn thể thao, liệu có chuyện cơ quan quản lý của Nhà nước bị thu hẹp quyền hạn?
- Tôi nghĩ rằng chẳng có ai thiệt. Chỉ những người muốn tận dụng vị trí trong cơ quan nhà nước để tư lợi thì mới cảm thấy thiệt, còn không, bộ môn sẽ được lợi nhiều thứ. Liên đoàn thể thao ra đời sẽ giúp ích cho cơ quan quản lý nhà nước rất nhiều. Như bóng bàn chẳng hạn. Hiện tại, phong trào bóng bàn Hà Nội phát triển mạnh trong khi đầu mối quản lý lại phân tán ở phòng thành tích cao, phòng quần chúng. Con người ở các bộ phận này không nhiều, lại phải kiêm nhiều việc khác nên khó đạt hiệu quả cao. Liên đoàn Bóng bàn ra đời sẽ giúp công tác quản lý, tổ chức bóng bàn phong trào quy củ hơn. Mô hình liên đoàn thể thao còn giúp cho việc kêu gọi tài trợ, chi trả chế độ bồi dưỡng, thưởng cho HLV, VĐV được thuận lợi hơn...
- Theo ông, trong giai đoạn đầu, để một liên đoàn thể thao có thể bắt nhịp với đời sống thể thao, cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện vai trò như thế nào?
- Không thể cho một liên đoàn thể thao ra đời rồi để người ta tự bơi. Cơ quan quản lý nhà nước cần có sự hỗ trợ cụ thể, từ tư vấn pháp lý, tư cách pháp nhân đến cơ chế, cơ sở vật chất, thậm chí là kinh phí, bởi, nói thật, nếu liên đoàn thể thao yếu thì cơ quan quản lý nhà nước càng vất vả. Trong thời gian tới, khi LĐBB Hà Nội đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
- Bóng bàn Hà Nội đã có lịch sử phát triển gần 100 năm nhưng đến giờ mới có LĐBB. Nhiều người đánh giá sự ra đời này là chậm. Ông thấy thế nào?
- Đúng là có chậm, nhưng chậm còn hơn không. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ hơn bởi từ lâu chúng tôi đã rất muốn ra đời LĐBB Hà Nội. Vấn đề là không có đủ những điều kiện cần thiết, nhất là về yếu tố con người để tin rằng liên đoàn sẽ hoạt động hiệu quả. Còn nay thì điều kiện đã chín muồi, Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội ra đời như một sự tất yếu.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.