(HNMO)- Đến thời điểm này, các trạm cấp nước sạch trên địa bàn 2 thị trấn Phú Xuyên và Phú Minh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã đáp ứng được nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân trong khu vực...
Hiệu quả quản lý
Trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Xuyên được xây dựng năm 2002-2003, với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng (nguồn vốn ODA). UBND huyện Phú Xuyên được giao làm chủ đầu tư dự án. Năm 2008, công trình này được bàn giao cho Xí nghiệp thủy lợi Phú Xuyên (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển thủy lợi Sông Nhuệ) quản lý, vận hành. Tuy nhiên, quá trình quản lý, vận hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, mà nổi cộm là chất lượng nước sạch của trạm không đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; mạng lưới đường ống cấp nước bị rò rỉ, dẫn đến khối lượng nước bị thất thoát rất lớn; thêm vào đó, 100% hộ dân sử dụng nước chưa được lắp đồng hồ, do đó không thu được tiền sử dụng nước sạch của các hộ dân.
Trước thực trạng đó, đầu tháng 9-2011, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định giao cho Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông quản lý và vận hành trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Xuyên. Sau khi tiếp nhận, Công ty đã tiến hành thổi rửa giếng, thau rửa hệ thống xử lý nước, hệ thống đường ống cấp nước; xử lý các điểm rò rỉ trên mạng lưới, đảm bảo áp lực nước và chất lượng nước sạch phục vụ khách hàng. Tiếp đến, cuối năm 2011, đầu năm 2012, Công ty đã tiến hành lắp đặt 1.500 đồng hồ đo nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn thị trấn Phú Xuyên và các xã lân cận như Phúc Tiến, Nam Phong.
Với hàng loạt biện pháp tích cực được triển khai, cuối năm 2011, công suất của trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Xuyên đã đạt 1.200m3/ngày-đêm; tiếp đến trong năm 2012, Công ty tiếp tục mở rộng mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch trong khu vực, từ đó đã nâng công suất vận hành của trạm lên tối đa đạt 2.000m3/ngày-đêm; đồng thời giảm tỷ lệ thất thoát xuống dưới 28%.
Bên cạnh việc quản lý, vận hành trạm cấp nước thị trấn Phú Xuyên, Công ty được giao thi công trạm cấp nước sạch tại thị trấn Phú Minh. Ông Nguyễn Quốc Sửa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh cho biết, dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Minh được phê duyệt năm 2007, với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới WB. Thế nhưng, vì thủ tục, năng lực chủ đầu tư có hạn nên mãi chưa triển khai thực hiện được. Đầu năm 2012, dự án được giao cho Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông thực hiện, đồng thời thị trấn bàn giao mặt bằng “sạch” cho Công ty (diện tích 3.500m2). Chỉ sau gần 8 tháng thi công, Công ty đã hoàn thành dự án và đưa trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Minh vào vận hành.
Trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Minh mới được đưa vào sử dụng |
Trạm cấp nước sạch thị trấn Phú Minh có công suất 550m3/ngày-đêm. Hệ thống công nghệ của trạm phù hợp với khai thác nước ngầm gồm 3 giếng khoan ở độ sâu 70m, tháp làm thoáng cao tải, cụm lắng lọc, hệ thống xử lý hóa chất, bể chứa nước sạch, trạm bơm nước sạch, nhà điều hành… Đi cùng với đó, mạng lưới đường ống (dài 14.200m), lắp đặt đồng hồ đo nước (hơn 1.900 chiếc) cho các hộ gia đình ở 5 tiểu khu thuộc thị trấn Phú Minh cũng hoàn thành đúng tiến độ. Theo ông Sửa, từ khi trạm cấp nước sạch đi vào hoạt động, với sự quản lý, vận hành “bài bản” của Công ty, nhân dân trên địa bàn thị trấn Phú Minh rất tin tưởng và phấn khởi về chất lượng nước, thái độ phục vụ.
Ý thức tiết kiệm nước sạch được nâng lên
Từ thành công bước đầu kể trên, cuối năm 2012, Công ty tiếp tục được bàn giao quản lý, vận hành trạm cấp nước sạch miền Đại Đồng (thuộc thị trấn Phú Xuyên). Sau khi nhận bàn giao, Công ty đã tiến hành cải tạo lại mạng lưới cấp nước trên địa bàn, nhằm chống thất thoát nước, đồng thời bảo đảm áp lực nước phục vụ khách hàng. Nhờ đó, các hộ dân sử dụng nước dù ở cuối nguồn (cách trạm cấp nước hơn 4km) vẫn có nước đầy đủ. Trước đây, do rò rỉ lớn, áp lực nước yếu nên nước sạch bơm đến các hộ ở cuối nguồn rất phập phù. Chỉ sau mấy tháng vận hành, quản lý, lượng khách hàng sử dụng nước sạch ở miền Đại Đồng đã tăng lên nhanh chóng (hiện có 870/1.000 hộ sử dụng nước sạch). Hiện nay, đối với trạm cấp nước miền Đại Đồng, Công ty cho vận hành bơm 3 lần/ngày, mỗi lần bơm kéo dài 1 giờ.
Ông Hoàng Đình Mạnh, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Đồng cho biết, trạm cấp nước sạch miền Đại Đồng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước. Sau khi xây dựng xong, năm 1998, bàn giao cho HTX Nông nghiệp Đại Đồng quản lý và vận hành. Tuy nhiên, do thiếu chuyên môn trong vận hành máy móc, mạng lưới đường ống, cộng thêm hạn chế trong quản lý nên hàng tháng tiền thu phí nước sạch của các hộ dân không đủ tiền chi cho sửa chữa, bảo hành. Do vậy, để duy trì hoạt động của trạm cấp nước phải trích từ nguồn quỹ của HTX. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch phục vụ người dân. Theo ông Mạnh, quản lý không tốt dẫn đến lượng nước thất thoát rất lớn, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là nhiều khách hàng dùng đủ mọi mánh khóe để “ăn cắp” nước sạch. Với một thời gian dài dùng kiểu “tiền chùa” như vậy nên nhiều người không hề có ý thức tiết kiệm nước sạch...
Trạm cấp nước sạch miền Đại Đồng hoạt động hiệu quả chỉ sau vài tháng Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông nhận quản lý, vận hành |
Từ khi bàn giao về cho Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông quản lý, vận hành, bằng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, bài bản hơn đã tránh được tình trạng thất thoát nước, chất lượng nước sạch được đảm bảo; ý thức tiết kiệm nước sạch của người sử dụng trong vùng được nâng lên vì nếu không tiết kiệm thì dùng nhiều phải nộp tiền nhiều. Có lẽ, nâng cao ý thức tiết kiệm của mọi người trong sử dụng nước sạch là điều quan trọng, vì nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá và có hạn, chứ không phải vô tận như nhiều người vẫn thường nghĩ.
Đầu tháng 2 vừa qua, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông. Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Văn Dũng đã báo cáo với Bí thư Thành ủy: Năm 2012, Công ty đã cung cấp đủ nhu cầu dùng nước sạch trên địa bàn quận Hà Đông, 2 thị trấn Phú Xuyên và Phú Minh (huyện Phú Xuyên), xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Năm 2013, Công ty tập trung cải tạo hệ thống cấp nước, lắp đặt đồng hồ, phân vùng cấp nước, rà soát khách hàng nhằm đưa tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống dưới 24% (bao gồm cả các trạm cấp nước tại khu vực ngoại thành mà Công ty đang quản lý và vận hành).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.