Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình hay về công tác vệ sinh môi trường nông thôn

Kim Văn| 05/11/2016 07:53

(HNM) - Quan tâm bảo vệ quyền lợi của người làm công tác vệ sinh môi trường được coi là giải pháp bền vững trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn. Thị trấn Kim Bài (Thanh Oai) là một trong những đơn vị đã làm tốt và là mô hình được đánh giá cao về công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động giữ gìn vệ sinh môi trường.

Được quan tâm chu đáo nên người thu gom rác thải sinh hoạt ở thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) yên tâm thực hiện tốt công việc.


Ông Nguyễn Đình Tiến, cán bộ môi trường thị trấn cho biết, Kim Bài có khoảng 6.000 nhân khẩu, sinh sống ở 3 thôn và 1 tổ dân phố. Mỗi ngày các khu dân cư trên địa bàn phát sinh khoảng 1,2 tấn rác thải sinh hoạt. Để thu gom, vận chuyển lượng rác này ra điểm tập kết, mỗi khu dân cư đã thành lập một tổ vệ sinh tự quản gồm 4 người, cứ 2 ngày các tổ đi thu gom rác thải một lần. Mặc dù đường làng, ngõ phố sạch sẽ, môi trường bảo đảm, nhưng nỗi lo về sức khỏe người làm công tác vệ sinh lại rất đáng ngại. Bởi phần lớn những người này không được trang bị đầy đủ kiến thức, bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Không những vậy, bản thân những người trực tiếp thu gom rác thải ở nông thôn cũng lơ là trong việc tự bảo vệ mình. Biết là độc hại, nguy hiểm nhưng ít người tự trang bị khẩu trang, găng tay, ủng cao su trong khi làm việc để bảo vệ sức khỏe bản thân. Chính bởi vậy, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp ở những người làm công tác thu gom rác thải nông thôn rất cao và nhiều lao động không mặn mà với công việc này, có tư tưởng nay làm, mai nghỉ.

Nhận thấy những bất cập về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm sức khỏe cho người lao động thu gom rác thải, thị trấn Kim Bài đã ban hành quy chế thu gom, xử lý rác thải vệ sinh môi trường. Trong đó quy định về mức thu phí chi trả công thu gom, vận chuyển rác thải là 3.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Từ nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp, thị trấn và các khu dân cư đã trích ra để trả lương, mua bảo hiểm y tế, đồ dùng, dụng cụ bảo hộ lao động cho người làm công tác vệ sinh môi trường.

Lao động thu gom, vận chuyển rác thải sẽ được trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ lao động, gồm quần áo, ủng cao su, găng tay, khẩu trang, mũ và dụng cụ lao động như chổi, hót rác, xẻng… Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, thị trấn còn hỗ trợ nộp bảo hiểm y tế với mức 620.000/người/năm. Đây là những chính sách tích cực không chỉ góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn hỗ trợ, động viên người lao động để họ yên tâm gắn bó với công việc.

Đã 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Tuyển vừa làm ruộng vừa tranh thủ thời gian, nhận trách nhiệm với thôn Kim Lâm làm công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyển cho biết: Trước đây, tôi làm công việc này hằng tuần mà không có trang phục bảo hộ lao động, bởi tiền công chẳng bao nhiêu. Nhưng hiện nay, thực hiện theo quy chế thu gom, xử lý rác thải vệ sinh môi trường của thị trấn, chúng tôi được cấp mỗi người một bộ quần áo bảo hộ lao động, ủng cao su, găng tay, khẩu trang, mũ và dụng cụ lao động…, tiền công được tăng lên 2 triệu đồng/người/tháng.

Không những thế, chúng tôi được thị trấn mua bảo hiểm y tế để có điều kiện kiểm tra sức khỏe, khám, chữa bệnh với chi phí thấp. Nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân nên chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm gắn bó với công việc này. Bà Nguyễn Thị Lành, người dân ở thôn Kim Bài cho biết: "Từ khi có tổ thu gom rác thải, người dân chúng tôi rất mừng. Các anh, chị trong tổ làm việc rất có trách nhiệm và hiệu quả, không còn cảnh rác thải bừa bãi như trước nữa. Biết được công việc của họ rất vất vả nên chúng tôi sẵn sàng đóng mức phí thu gom rác thải đầy đủ để người làm công tác vệ sinh có thêm thu nhập, từ đó họ có trách nhiệm hơn với công việc của mình".

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kim Bài Hà Sỹ Lâm cho biết: Qua việc thực hiện quy chế thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường chúng tôi thấy hiệu quả rất tốt, đường làng, ngõ phố luôn sạch sẽ, nhất là khu vực đồng ruộng không còn cảnh rác thải vứt bừa bãi, lưu cữu, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với sự ủng hộ của nhân dân thị trấn là sự tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên trực tiếp đi thu gom rác đã không quản trời mưa hay trời nắng, mỗi tuần hai buổi đi làm rất đều đặn.

Mặc dù thị trấn đã có chế độ, chính sách nhằm giúp đỡ, động viên người thu gom rác… nhưng trên thực tế, việc chăm sóc sức khỏe cho người làm công tác này rất cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc, đóng góp nhiều hơn cho việc giữ gìn môi trường sống sạch đẹp, an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình hay về công tác vệ sinh môi trường nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.