Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình đào tạo 9+: Hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp

Thanh Tàu| 30/08/2020 10:33

(HNMO) - Ngày càng có nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh quan tâm theo học nghề và học văn hóa chính quy tại các trường cao đẳng (mô hình đào tạo 9+). Đây cũng chính là bước đi đúng đắn, hiệu quả của các trường trong mô hình đào tạo kép hiện nay.

Mô hình đào tạo 9+ giúp học sinh lớp 9 vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Phân loại học sinh ngay sau lớp 9

Theo Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020), mô hình 9+ được hiểu là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng không vào học lớp 10 tại các trường trung học phổ thông mà chuyển sang học nghề chính quy tại các trường cao đẳng. Ở đây, cùng với học nghề, học sinh sẽ được học 7 môn văn hóa trình độ phổ thông. Sau từ 3,5 đến 4 năm học, các em sẽ có trong tay một nghề và lượng kiến thức đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2019-2020, toàn thành phố có 96.697 học sinh học lớp 9. Số học sinh được tuyển vào lớp 10 tại các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn là 67.688 em. Như vậy, có tới 29.009 em không được vào lớp 10 hệ công lập.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho hay, một phần trong số các em này sẽ học tại các trường trung học phổ thông ngoài công lập, số khác sẽ chủ động chọn các hình thức học tập phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Trong đó, một trong những hình thức đang được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn chính là mô hình 9+.

Em Trịnh Ngô Đức (ngụ tại phường Bến Thành, quận 1) cho biết, sau khi học hết lớp 9, đã quyết định đăng ký theo học mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (quận Bình Tân). Một năm qua, em vừa học 7 môn văn hóa theo quy định, vừa học chuyên ngành Quản lý khu vực kinh doanh dịch vụ trong khách sạn.

“Nếu mọi việc suôn sẻ, sau 4 năm học, em sẽ hoàn thành cả hai chương trình học là trung học phổ thông và học nghề. Ra trường, có nghề trong tay em có thể đi làm ngay để giúp đỡ gia đình, hoặc học tiếp để đạt trình độ cao hơn", Trịnh Ngô Đức chia sẻ.

Còn em Phạm Viết Đoan (ngụ tại phường 9, quận 3) lại quyết định học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Được sự đồng thuận của cha mẹ, 2 năm trước, Đoan đã theo học ngành mà em đam mê - ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.

"Sau khi kết thúc khóa học, em sẽ tiếp tục học liên thông ngành này ở một trường đại học để có tay nghề vững hơn", Phạm Viết Đoan chia sẻ về dự định trong tương lai.

Sau 4 năm học, các em vừa có nghề, vừa đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường nghề tuyển sinh 9+

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mô hình đào tạo 9+ đang được nhà trường áp dụng có lộ trình đào tạo với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 học trung học phổ thông và chuyên ngành 1, được cấp bằng trung cấp chính quy và kết thúc học lớp 11; giai đoạn 2 học trung học phổ thông và chuyên ngành 2, được cấp bằng để thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và cao đẳng chính quy. 

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cũng lên phương án tuyển sinh 300 chỉ tiêu cho hệ cao đẳng 9+ từ năm 2020, dưới hình thức xét tuyển học bạ trung học cơ sở. Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, sau khi tốt nghiệp mô hình 9+, sinh viên có 3 hướng đi: Du học; đi làm; hoặc học liên thông lên đại học chính quy trong thời gian 1,5 năm.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt quyết định thành công mô hình 9+ là sự định hướng của phụ huynh. Phần lớn các bậc phụ huynh vẫn đặt nặng tâm lý là con em mình phải học xong phổ thông, phải vào được đại học... mà chưa tính đến nhu cầu thực tế sử dụng lao động của xã hội hiện nay. 

Từ góc độ nhà tuyển dụng lao động, ông Huỳnh Thành Tứ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh (quận 3), nhận định: "Ở nhiều ngành dịch vụ, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề cao. Chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng lao động được đào tạo nghề bài bản, kỹ năng thuần thục".

Còn Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, Sở đang chờ các bộ, ngành trung ương hướng dẫn cụ thể hơn việc các trường cao đẳng nghề tuyển sinh các học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, để thực hiện mô hình 9+ ngày càng hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình đào tạo 9+: Hướng mở cho giáo dục nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.