(HNM) - Cách đây 60 năm, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương:
1. Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 khảo sát mở tuyến vào Nam, bắt đầu từ Khe Hó (Quảng Trị). Ngày 13-8-1959, hàng hóa chính thức vượt Trường Sơn và sau 8 ngày đã được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Kết thúc năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển vào Khu 5 gần 1.700 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác; đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.
Tháng 10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định phát triển Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn, quân số 6.000 người; cùng với đó là những bước phát triển quan trọng về chất lượng. Các chiến sĩ Trường Sơn vừa là người lính vận tải, vừa là chiến sĩ bộ binh, công binh, tham gia chiến đấu. Trước yêu cầu của chiến trường, năm 1965, Đảng ta quyết định nâng Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559, đơn vị tương đương cấp quân khu trực thuộc Quân ủy Trung ương. Tháng 7-1970, Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tháng 7-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được tổ chức thành 5 Bộ Tư lệnh khu vực, 6 binh trạm trực thuộc, 6 trung đoàn công binh trực thuộc, 2 trung đoàn ô tô, 2 trung đoàn đường ống xăng dầu, 1 trung đoàn thông tin, 4 quân y viện... Tổng quân số Bộ Tư lệnh Trường Sơn là 92.000 người.
Trải qua 16 năm (1959-1975), từ lối mòn bí mật len lỏi dưới các cánh rừng, đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống trục dọc và trục ngang, được đối phương gọi là "Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm"; gồm 16.790km đường cho xe cơ giới, hàng nghìn ki lô mét đường sông; có cả hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh và đường dây thông tin suốt dọc tuyến. Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", lớp lớp thanh niên đã rời ruộng đồng, nhà máy, trường học, theo tiếng gọi của non sông lên đường đánh giặc. Riêng bộ đội Trường Sơn với các phong trào: "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", "Yêu xe như con, quý xăng như máu", "Tuấn mã Trường Sơn"... đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tuyến đường cũng như sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhờ vậy, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam qua tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn ngày một tăng. Nếu 6 tháng cuối năm 1959, với phương thức gùi bộ là chủ yếu, Đoàn 559 mới vận chuyển được 32 tấn vũ khí giao cho Quân khu 5, thì đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đơn vị kỹ thuật ra các mặt trận. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn. Đặc biệt, trong hai năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, lượng hàng giao cho các chiến trường và bảo đảm hành quân hơn 403.300 tấn.
Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng, dầu... Bởi vậy, cựu Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger không ngần ngại thừa nhận: "Còn tồn tại đường mòn Hồ Chí Minh thì chiến tranh không bao giờ kết thúc".
Ngoài bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh còn là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Giai đoạn 1959-1964, tuyến vận tải chiến lược đã bảo đảm vận chuyển vào chiến trường miền Nam và Lào 10.136 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng nghìn tấn hàng quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng Việt Nam, Lào... Năm 1970, tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia phối hợp với Quân giải phóng miền Nam đập tan cuộc hành quân Chenla 1 của Mỹ - Thiệu - Lon Nol.
Trong hai năm 1973-1974, vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969-1972 và bằng 65% tổng khối lượng vận chuyển chi viện trong 17 năm trước đó (1955-1972), tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia tiến lên giành thắng lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
2. Từ vai trò quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể từ khi ra đời cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phải đương đầu với sự ngăn chặn khốc liệt, tàn bạo, bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn, nhiều loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ của kẻ thù. Đặc biệt, từ năm 1965, khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", trực tiếp đưa quân viễn chinh vào cứu nguy chế độ Sài Gòn, Mỹ và chính quyền tay sai càng ra sức đánh phá tuyến chi viện Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Kẻ thù đã sử dụng đủ loại máy bay, nhất là máy bay ném bom chiến lược B.52 rải thảm tọa độ, cày đi xới lại tuyến đường Trường Sơn hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Báo cáo của nhóm giáo sư người Mỹ do Nhà xuất bản Beacon Press ấn hành ngày 8-9-1971 đã thú nhận: "Trong tất cả những cố gắng khác nhau của không quân Mỹ ở Đông Dương thì hành động ngăn chặn các tuyến tiếp tế trên đường mòn là hành động được phối hợp và liên tục hơn cả...". Có tháng tuyến đường phải chịu trên 1.000 phi vụ B.52... Tất cả đã nói lên cuộc chiến đấu quyết liệt, đầy thử thách, một mất một còn giữa một bên "ngăn chặn" và một bên "chống ngăn chặn". Còn tờ Le Figaro (Pháp), số ra tháng 8-3-1972 bình luận: "Quân đội mạnh nhất thế giới đã không làm gì được con đường này. Máy bay khổng lồ B.52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, là con rắn trăm đầu luôn mọc lại"...
Tóm lại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo; trong đó việc mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng về thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến. Cùng với sự phát triển liên tục của công tác vận tải chi viện cho chiến trường, nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn luôn có sự sáng tạo và phát triển, góp phần cùng toàn dân, toàn quân ta giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá "là một chiến công chói lọi của dân tộc ta", là biểu tượng của "ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.