Chương trình 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ được tổ chức khai mạc từ sáng ngày 1/10/2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Thủ đô tròn 1000 năm tuổi diễn ra vào sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình và kế hoạch sẽ có diễu binh, diễu hành theo nghi thức quốc gia.
|
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. |
Trong văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội vừa được ban hành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo như trên đối với hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo đó, cũng vào tối 10/10/2010 còn tổ chức Đêm hội văn hóa nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Thủ đô trong thời gian tới là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần làm tốt công tác tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó tập trung 2 nhiệm vụ quan trọng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng và làm tốt công tác văn hóa, thông tin tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; gắn các hoạt động kỷ niệm với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Thủ đô phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2010 với tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng cao hơn 10%, gắn với kiềm chế lạm phát. |
Trong công tác quy hoạch đô thị, Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, bảo đảm sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt, các quy hoạch ngành cũng được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm 2010.
Nghiên cứu tăng phí giao thông đối với phương tiện cá nhânHiện nay, thực trạng ùn tắc giao thông đang là một trong những mối bức xúc của người dân Hà Nội. Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành quy định khung mức tăng phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn các thành phố lớn cũng như tăng mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành đối với một số hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... để các địa phương quy định phù hợp với tình hình thực tế. Đây là biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tạo thêm nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.
Bộ Xây dựng cũng được Thủ tướng giao nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá chung và đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho vay vốn đầu tư (khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng) không lãi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thành lập Sở Phòng cháy chữa cháyThủ tướng đồng ý về chủ trương cho Hà Nội thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, giao thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công an và Bộ Nội vụ xây dựng đề án, trình duyệt theo quy định.
Đồng thời, đồng ý về chủ trương cho phép Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu liên cơ quan hành chính Thành phố theo hình thức Hợp đồng BT trên cơ sở phù hợp với định hướng của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.