(HNMO) - Năm nay, nước Nga kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Tổng công trình sư thiết kế vũ khí nổi tiếng Mikhail Kalashnikov (1919-2013). Ông là cha đẻ của loại súng AK-47.
AK-47 - Khẩu súng thay đổi lịch sử chiến tranh
Súng trường tiến công cá nhân là một vũ khí cực kỳ quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi trên chiến trường. Cho dù khoa học có phát triển đến đâu thì vũ khí công nghệ cao vẫn không thể hoàn toàn thay thế khẩu súng trường trên vai người lính. Nó vừa là vũ khí để tự vệ vừa là vũ khí để tấn công.
Súng trường tấn công mang tên Kalashnikov trở thành một trong những phát minh xuất sắc nhất thế kỷ XX. Sự ra đời của AK-47 đã làm thay đổi lịch sử quân sự thế giới. Từ chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và rất nhiều cuộc chiến khác, AK-47 đã chứng tỏ sự vượt trội của mình trên chiến trường so với M16 và những súng trường tiến công khác.
Đơn giản, dễ sử dụng và sửa chữa, chi phí thấp và hiệu quả cao chính là những yếu tố góp phần đưa AK-47 trở thành một biểu tượng trong quân sự. Hiện tại, AK-47 được chọn là vũ khí cá nhân tiêu chuẩn cho quân đội của hơn 60 quốc gia trên thế giới. Rất nhiều lực lượng cảnh sát hay biên phòng trên thế giới cũng chọn loại súng này. Không những vậy, cả những lực lượng nổi dậy và tội phạm cũng chọn AK-47.
Năm Kalashnikov 75 tuổi, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã trao tặng ông Huân chương "Vì những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc". Năm 2007, Tổng thống Nga Putin ca ngợi: “Súng Kalashnikov là biểu tượng cho thiên tài sáng tạo của dân tộc Nga”. Trong một buổi lễ sang trọng tại Điện Kremlin vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 90 của Kalashnikov năm 2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã trao cho ông vinh dự cao nhất, Huân chương Sao vàng Anh hùng Liên bang Nga, và ca ngợi ông đã tạo ra "thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của nước Nga".
Nhà thiết kế súng xuất thân từ nông dân
Trung tướng, Tiến sĩ khoa học kỹ thuật Mikhail Kalashnikov sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở ngôi làng nhỏ Kurya, thuộc vùng núi Altai, gần biên giới giữa Nga và Mông Cổ. Mồ côi cha từ sớm, năm 16 tuổi, Kalashnikov bỏ nhà sang Kazakhstan, xin vào làm ở một ga đường sắt trên tuyến đường từ Siberia đi Turkistan.
Chưa học xong trung học, sau khi gia nhập Hồng quân năm 1938, Kalashnikov được phân về một đơn vị thiết giáp, rồi sau đó trở thành chỉ huy. Trong quá trình huấn luyện chiến đấu, Kalashnikov tiến hành những cải tiến về vũ khí trên xe tăng của mình. Sáng chế quân sự đầu tiên của ông là thiết bị kiểm tra tình trạng động cơ xe tăng. Với thành tích này, nhà phát minh trẻ nhận giải thưởng đầu tiên là chiếc đồng hồ có khắc tên do vị chỉ huy quân khu trao tặng.
Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tháng 10-1941, Kalashnikov bị thương khi trúng đạn pháo quân Đức tại Bryansk. Nằm dưỡng thương ở viện, Kalashnikov đã nghe đồng đội của mình phàn nàn về chất lượng súng trường của Liên Xô. Từ những phàn nàn đó cùng kinh nghiệm và niềm đam mê sẵn có, ông quyết định chế tạo một mẫu súng trường tiến công mới cho Quân đội Xô-viết.
Từ năm 1942 Kalashnikov làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học súng trường trung ương thuộc Tư lệnh Pháo binh. Chỉ 2 năm sau, ông đã tạo ra mẫu súng cacbin nạp được nhiều đạn. Mẫu súng này tuy không nằm trong bộ súng nhưng phần nào đã giúp cho việc sáng tạo súng tự động. Kalashnikov đi tới các đơn vị đang chiến đấu, trò chuyện với những người lính để xác minh ưu điểm và nhược điểm của những mẫu vũ khí cá nhân hiện có trong quân đội.
Trên cơ sở điều tra thực tế như vậy, ông hoàn thiện sáng chế của mình. Từ năm 1945, Kalashnikov bắt đầu việc sáng tạo súng tự động cỡ đạn 7,62×39mm. Khẩu này chịu nhiều ảnh hưởng từ súng Stg-44 của Đức.
Bằng niềm đam mê, lòng nhiệt huyết cùng tài năng thiên bẩm, Kalashnikov đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế súng trường tiến công dùng loại đạn cỡ 7,62x41mm vào năm 1946. Sau những thử thách khắc nghiệt: Bị ném từ trên cao xuống đất, bị chôn vùi trong cát và dìm trong nước, súng của Kalashnikov vẫn giữ nguyên được phẩm chất tuyệt vời. Thiết kế của ông chính thức được công nhận vào năm 1947 với tên gọi Avtomat Kalashnikova model 1947, thường được gọi là AK-47.
Chỉ 2 năm sau khi được cấp chứng nhận, AK-47 đã trở thành vũ khí cá nhân tiêu chuẩn cho Hồng quân Liên Xô và đến nay đã được phổ biến ở hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Năm 1949, Kalashnikov được trao giải thưởng Stalin hạng nhất. Đó là một trong nhiều giải thưởng mà ông có được, trong đó có 3 huân chương Lênin và Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa.
Ngoài AK-47, Kalasnikov cũng là tác giả thiết kế nhiều loại súng nổi tiếng khác, gồm trung liên RPK, đại liên PK. Ông còn thiết kế súng phóng lựu cầm tay, súng máy cho xe tăng và xe bọc thép, súng săn và súng thể thao.
Sau khi giải ngũ với quân hàm trung tướng, Kalashnikov chuyển tới sống tại Izhievsk và tiếp tục công việc của mình tại nhà máy Izhmash cho đến khi qua đời.
Sinh thời, Kalashnikov sống giản dị. Ông rất thích nghe nhạc cổ điển, làm thơ và viết sách. Ông đã xuất bản 3 tập hồi ký vào các năm 1992, 1997 và 1999.
Những trăn trở cuối đời
Mikhail Kalashnikov đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến phục vụ Tổ quốc. Ông tự hào về phát minh của mình. Tuy nhiên, Kalashnikov cũng luôn nhắc rằng, ông mong muốn được thấy một thế giới không có chiến tranh, để tất cả các cuộc xung đột được giải quyết không phải trên chiến trường mà trên bàn đàm phán. Rõ ràng, niềm tự hào về phát minh mang tính biểu tượng của ông đã trộn lẫn với nỗi đau khi ông nhìn thấy tác phẩm của mình được bọn tội phạm sử dụng.
Cha đẻ của loại súng huyền thoại cho biết, ông chưa bao giờ có ý định biến nó trở thành loại vũ khí được ưa chuộng trong các cuộc xung đột. Trong chuyến thăm Đức năm 2002, ông tâm sự: "Khi nhìn thấy Bin Laden với khẩu AK-47, tôi thực sự căng thẳng. Nhưng tôi có thể làm gì, khủng bố không phải là những kẻ khờ, chúng luôn chọn những khẩu súng tốt nhất. Tôi tự hào về những sáng chế của mình, nhưng cũng thật đau đớn vì chúng được những kẻ khủng bố sử dụng. Tôi ước mình có thể phát minh ra những cỗ máy mà dân thường có thể sử dụng, hay một thứ công cụ có thể giúp ích cho người nông dân - một chiếc máy cắt cỏ chẳng hạn”.
Theo nhật báo Izvestia của Nga, vài tháng trước khi qua đời, ông Kalashnikov đã viết thư tới Tổng giám mục Kirill, cho biết, ông liên tục tự vấn bản thân rằng, liệu ông có phải là người đã gián tiếp gây ra cái chết của hàng triệu con người hay không. “Nỗi đau trong linh hồn tôi là không thể chịu nổi. Tôi luôn bị ám ảnh bởi một câu hỏi chưa được giải đáp: Nếu khẩu súng của tôi cướp đi mạng sống của con người, thì liệu tôi có bị quy trách nhiệm về những cái chết đó không?” - ông hỏi. “Càng sống lâu, tôi càng bị câu hỏi này xoáy sâu vào tâm trí, và tôi càng tự hỏi liệu Thượng đế có cho phép con người có những dục vọng xấu xa là ghen tị, tham lam và hiếu chiến không?”.
Bức thư này hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đây của Kalashnikov trong các cuộc phỏng vấn và diễn văn, rằng ông tạo ra khẩu súng này để bảo vệ Tổ quốc và không phải chịu trách nhiệm trước hành động của người khác.
Nhà thờ Chính thống giáo Nga đã tìm cách an ủi ông. Tổng giám mục Kirill đã viết thư ca ngợi Kalashnikov là một nhà yêu nước đích thực: “Nếu vũ khí đó được sử dụng để bảo vệ Tổ quốc, Nhà thờ luôn ủng hộ cả người đã tạo ra nó lẫn những người lính đã sử dụng nó”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.