Theo dõi Báo Hànộimới trên

Miền Trung đối phó hiệu quả

Chí Kiên| 31/07/2011 06:14

(HNM) - Di chuyển nhanh hơn dự báo, tối qua 30-7, bão số 3 với tên gọi quốc tế là Nock - Ten đã đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An với cường độ cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12. Đêm 30-7, cán bộ, nhân dân và lực lượng cứu hộ ở các địa phương bão đổ bộ đã thức trắng chống chọi với bão dữ.

Bão hoành hành từ Thanh Hóa đến Nghệ An

Trung tâm dự báo KTTV trung ương cho biết, vào khoảng 19 giờ tối 30-7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền, tâm bão ở khu vực Thanh Hóa - Nghệ An, trong đó "mắt bão" quét qua tỉnh Thanh Hóa. Bản tin dự báo của cơ quan khí tượng cũng nhận định, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển sâu sang khu vực biên giới Việt - Lào.

Nhân dân xã Hưng Hòa (TP Vinh, Nghệ An) hàn khẩu đê Tả Lam bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 3.

Trong ngày 30-7, khi bão chưa đổ bộ vào đất liền tại các địa phương Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã chủ động xây dựng các phương án chống bão, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, di dân tránh bão lũ. Thống kê đến 20 giờ tối qua, đã có gần 300 nghìn dân ở các địa phương được sơ tán đến nơi an toàn. Ngoài ra, theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Bộ Đội biên phòng cho biết, đã thông báo cho 42.215 tàu, thuyền với 198.367 lao động và 1.980 lồng bè với 4.136 người biết vị trí, diễn biến của bão để tránh, trú nơi an toàn.

Tại nơi những nơi "đầu sóng" như đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ, Cát Bà (Hải Phòng)… từ sáng sớm 30-7 đã có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11, 12. Trước đó, huyện Bạch Long Vỹ đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện phòng, chống bão; chuẩn bị đầy đủ lượng lương thực, thực phẩm dự trữ với 7,5 tấn gạo, 650 thùng mỳ tôm và các loại thực phẩm thiết yếu khác. Trong khi đó ở đất liền, từ trưa 30-7, gió đã mạnh cấp 5, cấp 6, kèm theo mưa lớn. Khu vực Đồ Sơn (Hải Phòng) dù không được xác định là tâm bão, song sóng biển cao tới gần 10m, hầu hết các con đường bị ngập nặng. Tại Thanh Hóa, trưa 30-7, gió bắt đầu mạnh kèm theo mưa lớn. Tại đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo PCLB trung ương đã có mặt chỉ đạo công tác phòng chống bão. Bộ trưởng yêu cầu nhanh chóng triển khai bảo vệ an toàn các hồ chứa nước xung yếu, bảo đảm an toàn cho nhà dân và tài sản khi có phương án xả lũ từ các hồ chứa. Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã dự trữ 590 tấn gạo, 10.550 thùng mỳ tôm, 1.760 thùng nước uống, 36.500m2 vải bạt, 1.605.000 lít xăng dầu phục vụ cho các huyện miền núi và vùng dễ bị cô lập.

Biển động dữ dội tạo thành những con sóng cao hàng mét ở biển Tiền Hải, Thái Bình.

Tại tỉnh Thái Bình, ngay trước khi bão đổ bộ vào đất liền đã di dời hàng nghìn hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển vào trong đê; 1.300 tàu thuyền với 3.397 lao động cũng về nơi tránh trú bão an toàn. Các Công ty Thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu thoát nước đệm trên các hệ thống sông trục đề phòng bão vào gây ngập úng lúa mùa mới cấy.

Tại Nghệ An, mưa to như trút nước dội xuống ngay từ trước khi bão đổ bộ. Tỉnh đã sơ tán 4.947 hộ với gần 18.000 người đến nơi trú bão an toàn. Ở một số huyện như Quỳnh Lưu, gió giật tới cấp 12-13, TP Vinh bị ngập ngay từ trước khi bão đổ bộ. Tỉnh Nghệ An đã có một người thiệt mạng trong bão số 3, đó là ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi), trú tại xã Thọ Sơn (huyện Anh Sơn), do mưa, gió làm dây điện sà xuống thấp, ông Tứ bị chết do điện giật.

Tỉnh Quảng Bình đã di dời hơn 5.000 người dân ở các vùng ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Trước đó, chiều 29-7, tàu QB-1312 TS với 9 thuyền viên do ông Hoàng Quang Vịnh ở Bảo Ninh, TP Đồng Hới khi vào tránh bão tại Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh bị sóng đánh vỡ đuôi tàu. Lực lượng Bộ đội Biên phòng và người dân địa phương đã cứu sống 9 thuyền viên đưa vào bờ an toàn.

Còn tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), có 1 tàu trọng tải 415 tấn với 8 thuyền viên đang phục vụ thi công các công trình trên đảo. Sáng 29-7, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 214 phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ địa phương đã tổ chức giải phóng hàng để tàu kịp quay vào bờ ngay trong buổi chiều.

Tại Nam Định, rạng sáng 30-7, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng 92 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nam Định đã tổ chức cứu hộ thành công một tàu cá của ngư dân bị nước cuốn trôi ra biển. Sự việc xảy ra vào khoảng 2 giờ 30 ngày 30-7, tại cống Ba Lõn (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu), trong quá trình mở cống tiêu nước đệm trước khi bão đổ bộ và cho các tàu thuyền vào sông tránh bão, tàu cá của ông Nguyễn Văn Hiển, ở xóm 3 xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, trên thuyền có 2 thuyền viên, đã bị sóng biển và gió mạnh cuốn trôi ra biển, cách bờ khoảng 5 hải lý. Đến khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, nhận được tin báo, Đồn biên phòng 92 đã tổ chức cứu hộ, đưa được phương tiện vào bờ an toàn hồi 7 giờ 30 phút.

Ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa kéo thuyền vào bờ trước khi bão đến. Ảnh: Đức Tuấn

Bắc Trung bộ có mưa vừa đến mưa to

Trung tâm Dự báo KTTV trung ương dự báo, do ảnh hưởng của bão số 3, hôm nay 31-7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đợt mưa kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Tối qua khi bão đổ bộ vào đất liền, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã và đang lên nhanh. Trong đợt lũ này, mực nước ở hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động I, ở thượng lưu có khả năng lên mức báo động I, báo động II, có nơi trên báo động II. Cơ quan khí tượng cảnh báo đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh, biển động, cần đề phòng có lốc xoáy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung đối phó hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.