Kinh tế

Miền Bắc đối diện mối lo thiếu từ 1.200 - 2.500 MW điện

Theo TTXVN 03/01/2024 - 12:17

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, với phương án phụ tải điện dự báo, nguy cơ năm 2024, miền Bắc có thể thiếu từ 1.200 - 2.500 MW, đặc biệt là giai đoạn hè từ tháng 5 đến tháng 7.

Chú thích ảnh
Công nhân Tổng công ty Điện lực Miền Bắc tăng cường kiểm tra kỹ thuật trạm biến áp 110kV Vĩnh Phúc, đảm bảo cấp điện an toàn. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Thiện cho biết: Tình trạng thiếu nguồn diễn ra trong khi công suất phân bổ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xuống rất thấp và kéo dài, dẫn tới tổng công ty phải điều chỉnh, tiết giảm một lượng lớn phụ tải. Ước tính công suất phải điều chỉnh và sa thải lớn nhất đạt 3.952 MW. Sản lượng điện tiết giảm ước 608 triệu kWh.

Hiện nay nhiều tỉnh miền Bắc dự kiến sẽ phát triển nóng trong giai đoạn 2024 - 2025 khi có rất nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng lớn đăng ký sử dụng công suất với quy mô lớn. Điển hình một số tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Dự báo công suất của EVNNPC năm 2024 có thể đạt trong khoảng 17.200 - 18.000 MW, tương ứng với tăng trưởng từ 8,7 - 13,7% so với 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung.

Về phần nguồn điện Lào, ông Thiện cho hay, theo dự kiến trước tháng 5-2024, sẽ bổ sung được 211 MW (Nậm Sum 1A - 50MW, Nậm Sum 3 - 156MW, Nam Sao 2 - 5 MW) và sẽ đóng điện thêm 30MW vào cuối năm 2024.

Về nguồn điện nhỏ, trong quý I và II-2024 sẽ chỉ bổ sung được 152,8 MW, và các tháng cuối năm sẽ được bổ sung thêm 288,6 MW. Tính cả năm 2024, dự kiến sẽ bổ sung được 441,4 MW. Tuy nhiên, các nguồn điện nhỏ thường bị chậm tiến độ và chủ yếu đóng điện vào cuối năm.

Về nhập khẩu điện từ Trung Quốc, năm 2024, tổng công ty dự kiến sẽ mua qua lưới điện 220kV cấp điện cho 1 phần Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên với sản lượng mua cả năm 2.569 tỷ kWh. Tổng công ty cũng lên phương án nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 110kV liên kết (Thâm Câu - Móng Cái, Lào Cai - Hà Khẩu, Mamaotiao - Thanh Thủy).

Đại diện tổng công ty này cũng cho biết, đã lên hai kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của A0. Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200 - 2500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.

“Trong tháng 8, A0 tính toán nước về tốt hơn nên khả dụng nguồn cao hơn và phụ tải cũng có xu hướng thấp nên khả năng thiếu công suất ít hơn. Trong các tháng cuối năm, dự kiến nhu cầu sử dụng điện cũng đạt ở mức cao và có nguy cơ thiếu nguồn từ 200 - 400MW”, lãnh đạo EVNNPC cho hay.

Để đảm bảo cấp điện năm 2024, đặc biệt trong mùa Hè, ngoài việc tập trung hoàn thành các công trình xây dựng/cải tạo lưới điện trước 30-4-2024 và bổ sung nguồn 110 kV tại khu vực mang tải cao, phụ tải lớn), công tác sửa chữa bảo dưỡng để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, EVNNPC sẽ tập trung vào điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển giờ sản xuất của các phụ tải lớn để hạn chế tối đa tình trạng tiết giảm phụ tải.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN cho biết, hiện tổng công suất toàn hệ thống tính đến cuối năm 2023 đạt 80.556 MW nhưng thực tế huy động thấp hơn rất nhiều và dự phòng nguồn điện rất thấp.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, rủi ro vẫn luôn tồn tại khi tập đoàn chỉ nắm giữ 37,2% tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc. Vai trò nắm giữ nguồn cung của 2 tập đoàn cũng chịu trách nhiệm đảm bảm cung ứng năng lượng cho quốc gia là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt 2,3% và 7,7% trong khi các chủ đầu tư BOT và chủ đầu tư khác đang nắm tới 52% tổng nguồn cung điện trên thị trường.

Do vậy, việc đảm bảo cân đối tài chính, đảm bảo cung ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện và phải đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng là những khó khăn, thách thức rất lớn mà tập đoàn phải đối mặt. Để vượt qua khó khăn, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tăng cường tiết kiệm điện.

Cùng với đó, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021-2025, Đề án tách A0 thành Công ty TNHH MTV và phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của tuyến đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và Thủy điện Tích năng Bác Ái.

“Tập đoàn kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét loại trừ yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các năm 2022, 2023 của EVN. Kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ của EVN cũng như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu các nguồn điện tại Lào. Việc sớm thẩm định thiết kế kỹ thuật đợt 3 dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án Thuỷ điện Tích năng Bác Ái cũng là giải pháp gỡ khó cho tập đoàn”, lãnh đạo EVN kiến nghị.

Đánh giá cao tinh thần thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót trong điều hành khi đã có những lúng túng nhất định trong giai đoạn đầu của việc thiếu điện trong năm qua của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2023 EVN đã rất nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế.

Theo ông Tân, đảm bảo việc cấp điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong năm 2024, tăng cường các giải pháp đảm bảo điện, mua điện từ Lào, Trung Quốc, tiếp tục tái cơ cấu tập đoàn… sẽ là việc EVN cần tập trung triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Bắc đối diện mối lo thiếu từ 1.200 - 2.500 MW điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.