Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẹo kiểm soát cảm xúc khi phỏng vấn

Pha Lê| 05/10/2021 12:21

Trong quá trình phỏng vấn, việc có thể kiểm soát cảm xúc lo lắng, căng thẳng khi đối diện với nhà tuyển dụng được xem là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Điều này có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng, chứng tỏ bản thân bạn là người có bản lĩnh, không để cảm xúc chi phối việc đang làm.

Để có thể kiểm soát được cảm xúc một cách tốt nhất trong buổi phỏng vấn tìm việc làm ở Sài Gòn, Hà Nội…, bạn có thể tham khảo những bí quyết dưới đây!

Lên kế hoạch chuẩn bị và tập luyện trước

Quá trình chuẩn bị sẽ chiếm 90% thành công trong các buổi phỏng vấn vì bạn không chỉ có được một tâm lý vững vàng mà còn có thể kiểm soát được trạng thái tiêu cực. Những vấn đề mà bạn nên chuẩn bị có thể là các nội dung sẽ được hỏi trong buổi phỏng vấn (giới thiệu bản thân, điểm mạnh/điểm yếu của bản thân, kỹ năng và kinh nghiệm về công việc, tại sao lại hứng thú với công việc này...).

Đồng thời, cũng nên tìm hiểu một số thông tin của công ty để có thể trả lời được những câu hỏi liên quan. Nhà tuyển dụng ắt hẳn sẽ ấn tượng với những ứng viên quan tâm đến tình hình hoạt động của công ty họ.

Tiếp đến, bạn có thể bắt đầu luyện tập trước tại nhà để xem thử khả năng xử lý tình huống của mình như thế nào, còn vấn đề gì cần khắc phục để đạt được sự bình tĩnh trong buổi phỏng vấn. Việc này sẽ giúp bạn có thể dự trù được một số tình huống có thể xảy ra và có phương hướng giúp kiểm soát cảm xúc tốt nhất.

Chọn tư thế ngồi phù hợp

Hãy tranh thủ đến sớm hơn thời gian được hẹn khoảng 15 phút để ổn định tinh thần. Khi bước vào phòng hãy giữ bình tĩnh, chào hỏi và đừng quên nở một nụ cười với nhà tuyển dụng. Điều này sẽ giúp họ có cái nhìn thiện cảm hơn với bạn và không khí của buổi phỏng vấn cũng giảm đi căng thẳng phần nào.

Tư thế ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không rung đùi, chùn vai hay bắt chéo chân. Dáng ngồi vững chắc sẽ giúp củng cố cảm giác an toàn của ứng viên ngay cả khi đang lo lắng. Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, việc thả lỏng các khớp cơ tay và chân sẽ góp phần lấy lại cân bằng tâm lý và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Bạn có thể thử cách làm này, tuy nhiên vẫn nên giữ một dáng vẻ chuyên nghiệp!

Kiểm soát tốc độ nói

Người nghe có thể nhận ra việc bạn có kiểm soát cảm xúc của mình hay không thông qua tốc độ nói. Thông thường, trong trạng thái mất bình tĩnh thì chúng ta sẽ có xu hướng nói nhanh và nói lắp. Điều này sẽ làm cho nhà tuyển dụng không thể nghe kịp và hiểu hoàn toàn những điều mà bạn đang truyền tải, thậm chí hiểu sai. 

Để tránh điều này, bạn cần cố gắng điều hòa nhịp thở và nói chậm lại. Hãy dành ra 30 giây suy nghĩ và kiểm soát những gì mình sẽ nói sau khi nghe câu hỏi từ nhà tuyển dụng. Nếu cảm thấy có điều gì chưa rõ về câu hỏi, nên chủ động hỏi lại, thay vì vội vàng trả lời.

Điều chỉnh âm lượng trong khi giao tiếp

Bên cạnh kiểm soát tốc độ nói thì việc điều chỉnh âm lượng khi giao tiếp cũng quan trọng không kém. Một người kiểm soát cảm xúc tốt sẽ có âm lượng trò chuyện ở mức trung bình, đủ để hai bên cùng nghe và tương tác. Điều này sẽ giúp bạn giữ được sự bình tĩnh cần thiết, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện. Tránh việc nói lí nhí, khó nghe vì nó làm cho nhà tuyển dụng không thể nắm bắt những vấn đề mà bạn trình bày.

Hãy tưởng tượng cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện

Tất cả ứng viên khi tham gia phỏng vấn đều xem đây là một cơ hội để phát triển nghề nghiệp nên mọi người đều rất nỗ lực và nghiêm túc. Tuy nhiên, điều này vô hình tạo ra những áp lực không đáng có. Để có thể kiểm soát cảm xúc tốt, hãy tưởng tượng buổi phỏng vấn như một cuộc trò chuyện và nhà tuyển dụng cũng là người bình thường. Ngay cả khi gặp phải câu hỏi khó, chưa được chuẩn bị, bạn cũng nên cân nhắc một cách trả lời thành thật và khôn ngoan, không nên để tâm lý lúng túng làm bản thân rơi vào trạng thái loay hoay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹo kiểm soát cảm xúc khi phỏng vấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.