Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mệnh lệnh từ cuộc sống

Hiền Lương| 29/04/2023 06:30

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về “Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương”. Đây là chỉ đạo có ý nghĩa cấp thiết, đòi hỏi phải được thực thi nhanh chóng, nghiêm túc.

Thực tiễn đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai. Đáng tiếc là hiện tượng này không tồn tại đơn lẻ mà còn phổ biến ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Dẫn chứng cho thấy, có địa phương đã gửi hàng trăm văn bản xin ý kiến bộ, ngành trong thời gian ngắn, mà hầu hết các vấn đề thuộc thẩm quyền, có thể tự quyết được. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ có tư tưởng “3 không”, đó là: Không nói; không tham mưu, đề xuất; và không triển khai hoặc triển khai công việc cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng...

Tình trạng trên làm cho quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, của hệ thống chính trị; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả kiểm tra, thống kê, đánh giá cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều nơi rất thấp, có nơi trong cả quý I-2023 không giải ngân được đồng nào. Đáng lưu ý, tăng trưởng kinh tế của không ít địa phương có tiềm lực, vị thế cũng đã bị sụt giảm mạnh.

Đây là những hệ lụy đáng lo ngại, bởi nếu kéo dài thì không những ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế cả nước, đời sống dân sinh, mà còn có thể gây ra nguy cơ về an ninh kinh tế, trật tự xã hội...

Do đó, Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vừa kịp thời, vừa có ý nghĩa rất quan trọng. Việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương là giải pháp vừa cấp thiết vừa căn cơ, giúp duy trì một nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ... Đây là cơ sở để duy trì sự vận hành ổn định của đời sống xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển, khắc phục tình trạng trì trệ, tụt lùi.

Để thực hiện có hiệu quả công điện quan trọng này, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần xác định rõ, những hạn chế, tồn tại trên đây có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Kinh nghiệm thực tiễn tại Hà Nội (nơi ít xảy ra tình trạng nêu trên) cho thấy, giải pháp mấu chốt là phải tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy chế làm việc; lấy “thước đo” đánh giá cán bộ là hiệu quả công việc, bằng kế hoạch công tác và các sản phẩm cụ thể.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng hoàn thiện quy chế làm việc, bảo đảm phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm gắn với thời hạn hoàn thành; hình thành các phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, kịp thời khen thưởng, động viên, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Một biện pháp cần chú trọng là phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy tổ chức Đảng; đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ. Trong đó, phải thường xuyên rà soát, đánh giá và kiên quyết thay thế, sắp xếp điều chuyển công tác đối với những cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trong thực thi công vụ.

Đây chính là mệnh lệnh từ cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mệnh lệnh từ cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.