Do người Mông, người Dao ở Trung Quốc có phong tục, tập quán, điều kiện sống khá tương đồng nên phụ nữ người Mông, Dao ở Lai Châu được những người dân tộc thiểu số này mua về làm vợ với giá rất cao, điều đó càng thúc đẩy tư tưởng hám lợi của các “mẹ mìn”
Tội phạm mua bán người ở Lai Châu hiện đang là vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, phong tục tập quán của nhân dân, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình. Trong giai đoạn 2005 đến tháng 6/2012, xảy ra 89 vụ mua bán người. Lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra làm rõ 87/89 vụ, xử lý 151 đối tượng phạm tội (với 161 nạn nhân).
Các đối tượng mua bán người ở Lai Châu phải hầu tòa. |
Ngoài ra qua tổng rà soát còn có hàng trăm phụ nữ nghi bị lừa bán sang Trung Quốc, phần lớn số này không có thông tin, không xác minh được họ đã bị lừa bán đến vùng nào của Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của tội phạm mua bán người ở Lai Châu phức tạp hơn so với số vụ đã được phát hiện xử lý.
Là tỉnh vùng cao phía Tây Bắc có 22 xã biên giới thuộc 3 huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè tiếp giáp Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường biên giới tiểu mạch, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, có mối quan hệ thân tộc với phía Trung Quốc. Đi kèm với một thực tế khách quan là chênh lệch về giới tính trong xã hội ở phía giáp ranh (thuộc Trung Quốc) cao, người Mông, người Dao vùng này có phong tục, tập quán, điều kiện sống khá tương đồng nên phụ nữ người Mông, Dao ở đây được người Mông, người Dao ở Trung Quốc mua về làm vợ với giá rất cao (từ 100 - 200 triệu đồng/người), điều đó càng thúc đẩy tư tưởng hám lợi của đối tượng phạm tội…
Những yếu tố trên là nguyên nhân cơ bản làm cho tội phạm mua bán người ở Lai Châu diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn cũng khá đa dạng. Ở giáp ranh biên giới, chúng rủ chị em phụ nữ sang Trung Quốc đi chợ, xem lễ hội… rồi bán cho người Trung Quốc đã bàn bạc, thống nhất từ trước.
Ở nội địa chúng lợi dụng phong tục tập quán, trình độ nhận thức, khó khăn về kinh tế và các hoàn cảnh khác của chị em phụ nữ để rủ rê, tạo viễn cảnh ăn sung mặc sướng không phải lao động; giả vờ yêu, đưa nạn nhân về gia đình chơi, nhưng thực tế là đưa sang bên kia biên giới bán.
Cá biệt có nạn nhân tự nguyện cho đối tượng bán sang Trung Quốc vào các động mại dâm hành nghề và cũng có trường hợp đối tượng trước đây là nạn nhân nay lại quay lại dụ dỗ, lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán.
Gần đây, vào ngày 17//4, qua công tác nghiệp vụ, Phòng PC45 phối hợp với Công an thị xã Lai Châu bắt quả tang Lý Thị Ngoan (30 tuổi), trú tại xã Huổi Chan, huyện Mường Pồn, tỉnh Điện Biên khi thị đang trên đường dẫn Lò Thị Nam, Lò Thị Huệ, Lý Thị Chuyền, cùng 17 tuổi và Quàng Thị Biên (20 tuổi), sang Trung Quốc để bán cho đối tượng tên Chế (người Trung Quốc) với giá 4.000 NDT.
Sau đó 5 ngày (ngày 21/4), tiếp tục phối hợp với lực lượng Biên phòng phá án bắt Hoàng Tiển Kiều (32 tuổi), trú tại Khu tự trị Thái Mèo Dao, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khi hắn đang trên đường đưa Sùng Thị Can (26 tuổi), ở xã Sin Súi Hồ (Phong Thổ) sang Trung Quốc bán. Trước cơ quan điều tra đối tượng còn khai nhận từ tháng 7/2011 đến tháng 2/2012, đã lừa bán 2 phụ nữ khác ở xã Sin Súi Hồ (Phong Thổ) được 23.000 nhân dân tệ.
Để phòng chống mua bán người có hiệu quả, thời gian qua Công an Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý, ngăn chặn xuất cảnh trái phép, từng bước hạn chế tình trạng phụ nữ sang Trung Quốc; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ điều tra xử lý tội phạm, giải cứu nạn nhân.
Qua đó đã trao đổi 13 lượt thông tin, 77 lượt công thư, trao trả 6 vụ, 7 đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán người cho phía bạn; ngược lại phía Trung Quốc trao đổi tình hình 54 lượt, trao trả 6 vụ, 25 phụ nữ nghi bị lừa bán, từ đó Công an tỉnh Lai Châu đã xác lập phá thành công 3 chuyên án bắt, khởi tố 5 đối tượng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phòng chống mua bán người ở Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn như: Nạn nhân bị lừa bán không xác định, nhận dạng được đối tượng, đối tượng chính của vụ án chưa bắt được, nạn nhân chưa được giải cứu… Nhiều nạn nhân đã đi sâu vào nội địa Trung Quốc, nên không có điều kiện điều tra, xác minh.
Để phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả hơn nữa, ngoài các biện pháp đã thực hiện; thời gian tới Lai Châu sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt tập trung vào nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân. Đối với vùng sâu, vùng xa, ngoài các giải pháp trên lực lượng Công an, các cấp hội phụ nữ cùng với các lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc tình hình, hoạt động của các loại đối tượng, nắm bắt kịp thời mọi thông tin để thông báo tới lực lượng chức năng có các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.