Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mê Linh (Hà Nội): Lợn ốm, chết không phải do bệnh tai xanh hay LMLM

Đức Hải| 07/01/2011 16:50

(HNMO)- Đó là khẳng định của ông Cấn Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội vào ngày hôm nay 7-1, khi đã kiểm tra thực tế trên địa bàn xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.


Đường làng, ngõ xóm tại xã Liên Mạc được rắc vôi bột phòng, chống dịch bệnh gia súc


Trao đổi với Hànộimới Online, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Trăm cho biết, xã có 3 thôn với khoảng 3.000 hộ dân. Hầu hết các gia đình trong xã đều nuôi lợn, nhưng là chăn nuôi nhỏ lẻ (bình quân mỗi hộ nuôi 3- 4 con lợn).Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn thôn Bồng Mạc có xảy ra tình trạng lợn ốm, chết. “Phần lớn lợn ốm chết là lợn con mới được 20- 30 ngày tuổi”, ông Trăm khẳng định.

Hiện cơ quan Thú y phối hợp với chính quyền xã Liên Mạc hướng dẫn các hộ chăn nuôi tập trung phòng, chống rét và chăm sóc thật tốt cho đàn lợn


Ông Cấn Văn Bình cho biết, qua kiểm tra thực tế, sau khi xem xét triệu chứng lợn ốm của các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Liên Mạc cho thấy, lợn ốm chết không phải do bệnh tai xanh hay bệnh lở mồm long móng gây ra. Phần lớn số lợn bị chết là lợn con còn đang theo mẹ. Số lợn con này trước khi chết đều bị đi ỉa phân trắng. Nguyên nhân chính là những ngày vừa qua, thời tiết rét đậm kéo dài, trong khi các hộ chăn nuôi không che chắn chuồng trại, hoặc có biện pháp phòng, chống rét nên dẫn đến lợn con nhiễm lạnh và chết. Ông Bình cho biết thêm, đối với số lợn nhỡ nuôi thịt bị ốm chết là do bệnh tụ huyết trùng gây nên. Qua tìm hiểu, số lợn này được các hộ chăn nuôi ở Liên Mạc mua từ nơi khác về nuôi nhưng chưa được tiêm phòng nên bị mắc bệnh.


Lãnh đạo Chi cục Thú y  Hà Nội khẳng định, lợn ốm, chết  trên địa bàn xã Liên Mạc (Mê Linh) những ngày vừa qua không phải do bệnh tai xanh hay lở mồm long móng


Hiện nay, UBND xã Liên Mạc đang phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Mê Linh tiến hành thống kê số lợn đã chết trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Trăm, thì số lợn chết rải rác và chủ yếu là lợn con.


Do người chăn nuôi tại xã Liên Mạc còn thiếu ý thức, nên khi lợn ốm chết đã đem vứt bừa bãi ra kênh, mương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn tạo ra sự hoang mang cho các hộ chăn nuôi khác khi chưa biết rõ nguyên nhân lợn chết 


Còn theo ông Bình, thì người chăn nuôi trên địa  bàn xã Liên Mạc không nên hoang mang mặc dù trên địa bàn xã trong năm 2010 đã từng xảy ra dịch bệnh tai xanh trên lợn. Hiện cơ quan Thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi tập trung phòng, chống rét cho đàn lợn; đồng thời tập trung chữa trị cho số lợn đang bị ốm.

Ngay trong ngày hôm nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã cấp 200 lít thuốc sát trùng cho xã Liên Mạc để tổ chức phun tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, thành phố sẽ nhanh chóng xuất cấp cho địa phương vắc xin để tiêm bổ sung cho đàn lợn chưa được tiêm phòng bệnh.

Về việc xác lợn chết bị vứt bừa ra kênh, mương gây ô nhiễm môi trường, ông Trăm thừa nhận là có. Nhưng đây là do người dân thiếu ý thức, khi có lợn chết đã không đào hố chôn lấp mà lén lút vứt bừa ra môi trường xung quanh. Sau khi phát hiện, xã, thôn đã tổ chức thu gom và chôn lấp, đồng thời tổ chức rắc vôi bột vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo ông Trăm, do số lợn trong thôn Bồng Mạc chết rải rác, trong khi người dân vẫn “vụng trộm” vứt vào đêm tối nên từ ngày 2-1 đến nay, chính quyền xã vẫn phải thường xuyên tổ chức thu gom và chôn lấp nhằm bảo đảm vệ sinh. Ngày mai (8-1), xã sẽ tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng.


Các bao tải đựng xác lợn chết vứt bừa bãi trên kênh Khai Thái (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) vào cuối tháng 4-2010, khi dịch bệnh tai xanh trên lợn xảy ra tại địa phương.


Như vậy, đây không phải là lần đầu tiên người chăn nuôi tại khu vực ngoại thành Hà Nội thiếu ý thức khi gia súc, gia cầm ốm chết đem vứt bừa bãi ra kênh mương gây ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất, vào khoảng cuối tháng 4-2010, trên địa bàn xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, người chăn nuôi khi có lợn ốm chết (tuy chưa phát hiện ra bệnh gì) cũng đã đem vứt bừa ra kênh, mương. Điều này cho thấy, lâu nay chính quyền cấp xã còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong đó việc tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh (Hà Nội): Lợn ốm, chết không phải do bệnh tai xanh hay LMLM

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.