Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẹ “khỏe”, trẻ thiệt thòi

Lâm Vũ| 30/03/2013 06:55

(HNM) - Gần đây, xu hướng các bà mẹ trẻ sinh và nuôi con một mình đã rõ ràng hơn ở Việt Nam. Theo kết quả điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người độc thân ở nước ta chiếm 2,5% dân số, tức khoảng 2 triệu người, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ 87,6% và 3/4 trong số họ chấp nhận nuôi con một mình. Theo dự báo, trong thời gian tới, con số này tiếp tục tăng.


Nguyên nhân từ sự biến đổi các giá trị

Những năm trước, số người tự nguyện làm mẹ đơn thân không nhiều nhưng giờ đây, số người này ngày một gia tăng. Nhiều người nổi tiếng công khai giãi bày chuyện sinh con một mình hoặc đơn thân nuôi con sau ly hôn. Sự chọn lựa này không chỉ có ở giới nghệ sĩ vốn không ngại sống theo sở thích mà còn được nhiều người ủng hộ, nhất là những phụ nữ có học vấn cao, người có khả năng tự chủ về kinh tế và công việc. Điều này khác với cảnh ngộ của phụ nữ thời xưa, thường chỉ làm mẹ đơn thân khi góa bụa, phải ở vậy thờ chồng nuôi con; làm mẹ đơn thân thường là người quá lứa lỡ thì, có hoàn cảnh không may, hoặc những người đã qua tuổi thanh xuân trong những biến cố khắc nghiệt mang ý nghĩa lịch sử. Phụ nữ đơn thân ngày nay thì khác, phần lớn có khả năng lập gia đình đúng nghĩa nhưng lại muốn sống kiểu "có con, không chồng", nhiều khi đơn giản chỉ vì họ không muốn chịu ràng buộc với ai. Đáng chú ý là thực trạng này diễn ra phổ biến ở khu vực đô thị, nơi có nhiều nữ trí thức.

Trẻ em cần được hưởng đầy đủ tình thương yêu từ cha mẹ. Ảnh: Thu Giang


Thạc sỹ Vũ Thị Thanh Hoài, Đại học Văn hóa lý giải: Thời xưa, hôn nhân thường do cha mẹ sắp đặt. Đa số phụ nữ, dù không hạnh phúc nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để giữ cho gia đình không bị đổ vỡ. Họ quan niệm hôn nhân là duyên số, "may nhờ, rủi chịu", vì thế, một khi đã lập gia đình thì có đau khổ gì cũng gắng im lặng chịu đựng. E ngại sự thay đổi và lời gièm pha của những người xung quanh, ngay cả những cặp vợ chồng không hạnh phúc cũng ít khi nghĩ đến chuyện bỏ nhau. Hơn nữa, ngày trước, cuộc sống của đa số phụ nữ phụ thuộc vào nam giới về mọi mặt, từ kinh tế, tình cảm, nơi nương thân đến sự kính trọng của người xung quanh nên dù trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hy sinh và chấp nhận tất để sống trọn đời với chồng. Ngày nay, phụ nữ có cơ hội được học tập, mở mang hiểu biết, họ tiếp thu những luồng văn hóa mới của thời đại, họ đấu tranh cho bình đẳng giới và có đủ bản lĩnh vượt qua dư luận xã hội để sẵn sàng nuôi con một mình. Không phụ thuộc chồng về mặt kinh tế, cũng không quá thua thiệt về vị trí trong xã hội nên nếu gặp người chồng không tốt, người đàn bà dễ dàng dứt áo ra đi, sẵn sàng nuôi con một mình chứ không nhịn như trước.

Một vấn đề khác, bên cạnh việc xuất hiện ngày càng nhiều nhóm, hội "chán chồng" thì trình trạng ly dị, đặc biệt là ly dị chỉ sau một thời gian ngắn kết hôn đang ngày càng nhiều hơn, điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của những người phụ nữ trẻ. Không ít cô gái trẻ nhìn thấy xung quanh những người phụ nữ kết hôn phải chịu vô vàn bất hạnh (bị chồng đánh đập, bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, phải cật lực làm lụng trong khi những ông chồng chỉ biết tối ngày rong chơi) đã khiến họ ngần ngại khi quyết định giao phó cuộc đời cho một người đàn ông nào đó.

Trẻ em chịu thiệt thòi

Điều đáng quan tâm là việc nuôi dạy và giáo dục con cái trong các gia đình đơn thân. Theo nhiều nhà tâm lý, người mẹ dù có yêu thương, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho con nhưng vẫn không thể khỏa lấp được vai trò người cha và sự thiếu hụt khiến đứa trẻ khó có thể phát triển trọn vẹn. Để bù đắp sự thiếu hụt về tình cảm người cha, các bà mẹ đơn thân dễ nuông chiều con cái quá mức, dẫn trẻ đến sự phát triển lệch lạc. Một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, những đứa trẻ lớn lên không có bố thường có sự lệch lạc về tâm sinh lý nhiều hơn những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bình thường. Đáng lo ngại hơn là kết quả từ những nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học tội phạm, có ý kiến nhận định rằng, trẻ vị thành niên sống trong gia đình đơn thân do ly hôn có tỷ lệ phạm tội cao hơn nhiều so với trẻ sống trong gia đình có đầy đủ cha và mẹ. Lý do thường thấy là các gia đình đơn thân thường rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự giám sát và giải pháp kiểm soát con cái.

Thiệt thòi của trẻ em trong gia đình đơn thân ai cũng rõ. Thế nhưng, xu hướng làm mẹ đơn thân ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định: "Vấn đề làm mẹ đơn thân chịu ảnh hưởng nhất định từ tình trạng ngoại tình tăng, ly hôn tăng và số người sống độc thân tăng. Hôn nhân hiện đại, với một số người là có quá nhiều rủi ro và phụ nữ Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung mang tính toàn cầu".

Xã hội hiện đại có nhiều xu hướng sống, rất khó để chỉ ra cho người phụ nữ nên hay không nên làm mẹ đơn thân. Chính vì vậy, phụ nữ trẻ cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, vì hạnh phúc đủ đầy và vì tương lai con trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mẹ “khỏe”, trẻ thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.