Nhiều người cho rằng
Những kim tự tháp Maya vẫn còn nguyên vẹn. |
Trong sử sách, nền văn minh Maya đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực từ kiến trúc, toán học, thiên văn học, cho đến nghệ thuật. Tuy nhiên, sự biến mất của nó lại là một bí ẩn mà đến nay giới khoa học chưa khám phá hết.
Nền văn minh Maya được xây dựng bởi người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ. Nó hình thành trên vùng đất mang tên Cuello cách nay 4.000 năm. Từ mảnh đất này, người Maya phân chia thành nhiều nhánh, trong đó, nhánh lớn nhất tiến về vùng đất là vịnh Mexico ngày nay. Tại đây, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục khai quật hàng loạt đền thờ đá có niên đại lên tới 2.500 năm.
Giới khảo cổ cho biết, nền văn minh Maya đã tạo ra hàng loạt thành phố lớn vào thời kỳ năm 800 đến 400 trước Công nguyên. Những thành phố nổi bật nhất là Nabke (thuộc Guatemala), Chichen Itza, Yaxchilian, Oxkintok, Palenque, Dos Pilas, Uaxactun, Altun Ha, Bonampak. Những khu đô thị của người Maya có sức chứa hàng vạn người. Chúng được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đại.
Người Maya có hệ thống lịch rất chính xác dựa vào chiêm tinh học. Tuy nhiên, họ lại tin tưởng vào chu kỳ tự nhiên của thời gian. Các nhà chiêm tinh thường phân tích các chu kỳ và tiên đoán các sự kiện trong tương lai. Sự kết thúc chu kỳ thời gian trong bộ lịch của người Maya khiến con người của thế giới hiện đại tưởng tượng ra sự diệt vong.
Chữ viết của người Maya là một chuỗi các ký hiệu âm và dấu tốc ký. Hệ thống chữ viết gồm hơn 1.000 ký hiệu.
Người Maya có nền nông nghiệp phát triển rực rỡ. Họ đã trồng trọt đủ các loại rau, củ, quả. Kỹ thuật trồng ngô của họ đạt đến đỉnh cao. Nghề chăn nuôi, hay các nghề như chế tác đá, trang sức, gốm, dệt vải, chế biến gỗ cũng phát triển mạnh.
Trong thời kỳ đầu Công nguyên, hàng loạt nhà nước, quốc gia của người Maya thành lập và phát triển rực rỡ, đa dạng. Tuy nhiên, các quốc gia lần lượt bị diệt vong một cách bí ẩn và gần như biến mất hoàn toàn vào thế kỷ thứ 10. Chỉ duy nhất một quốc gia trên bán đảo Yucatan, Mexico tiếp tục tồn tại đến thế kỷ 16. Quốc gia cuối cùng của người Maya cũng biến mất bởi sự xâm chiếm của người Tây Ban Nha.
Bộ lịch của người Maya. |
Các công trình xây dựng của người Maya có lẽ là dấu ấn rõ nét nhất còn sót đến ngày nay. Những nhà khảo cổ vẫn miệt mài khai quật những ngôi mộ khá đặc biệt trên các quả núi, trong rừng sâu. Những ngôi mộ khổng lồ xa xưa là tiền đề cho những kiến trúc kim tự tháp. Hàng trăm kim tự tháp vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn, rải rác trong các rừng sâu, nơi vốn là trung tâm quyền lực của các quốc gia Maya cổ. Số lượng khổng lồ tác phẩm, chữ viết, lịch khắc trên đá tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Đó chính là những bằng chứng khẳng định sự phát triển đỉnh cao của người Maya.
Nhưng mười mấy triệu người Maya đi đâu? Các nhà khoa học tích cực giải mã được 80% lượng chữ viết khổng lồ của người Maya khắc trên các phiến đá và hiểu được phần nào nguyên nhân diệt vong của nền văn minh này.
Chẳng dân tộc hay quốc gia nào khác giết dân tộc Maya, mà họ tự tìm tới bờ vực của sự diệt vong. Người Maya không yêu chuộng hòa bình, thiên nhiên như chúng ta nghĩ. Họ thực sự hiếu chiến và khát máu.
Hàng loạt cuộc chiến tranh đã xảy ra trong nội bộ các quốc gia của người Maya. Trong thời kỳ chiến tranh, rất nhiều người Maya chết đói. Việc khai thác rừng quá mức cũng khiến môi trường thay đổi, lượng nước ngầm giảm dần. Hơn nữa, vùng đất của người Maya còn hứng chịu những thời kỳ hạn hán khốc liệt, kéo dài hàng trăm năm.
Cuối thế kỷ thứ 9, các con kênh do người Maya đào không còn nước. Dù khoa học kỹ thuật thời kỳ đó phát triển mạnh, người Maya vẫn không thể đào sâu xuống lòng đất tới 150 m để lấy nước.
Thiếu nước, nền nông nghiệp đình đốn, người Maya thiếu lương thực. Trong khi các cuộc xung đột đẫm máu vẫn xảy ra triền miên, khiến các nền văn minh này dần biến mất.
Theo các nhà khoa học, hiện nay vài triệu người là hậu duệ của người Maya đang sống ở vùng Trung và Nam Mỹ. Nhưng thực dân Tây Ban Nha đồng hóa họ suốt mấy trăm năm nay, khiến mầm mống cuối cùng của văn minh Maya cổ xưa biến mất hoàn toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.