(HNM) - Dù hiệu quả đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng để đối phó với tình trạng trái cây, rau củ “tẩm” thuốc, thịt “ướp” hóa chất tràn lan trên thị trường, nhiều bà nội trợ sẵn sàng bỏ tiền triệu mua thiết bị đo an toàn thực phẩm (ATTP) được nhập khẩu vào nước ta.
Ảnh: Báo Thanh niên |
Thời gian gần đây, Cục ATTP (Bộ Y tế) thường xuyên tiếp nhận ý kiến của người tiêu dùng về tác dụng của thiết bị đo ATTP. Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, các thiết bị đều phải được Cục ATTP cấp phép sau quá trình kiểm định chặt chẽ. Cục ATTP đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho 1 bộ xét nghiệm nhanh dư lượng Nitrat trong thực phẩm (máy đo) theo quy định của Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18-3-2014 của Bộ Y tế quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm. Bộ xét nghiệm nhanh dư lượng Nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi (SOEKS NUC-019-1) do SOEKS LLC - Liên bang Nga sản xuất và được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga. Thiết bị này có kích cỡ bằng 1 chiếc điện thoại di động, được cài đặt sẵn phần mềm tiếng Việt với 1 đầu cắm vào thực phẩm và nối với màn hình hiển thị. Thế nhưng, không ít người tiêu dùng đã thắc mắc bởi với cùng một loại củ, quả mà thiết bị lại cho kết quả khác nhau. Thậm chí, khi thử nghiệm với loại rau đạt tiêu chuẩn sạch, thiết bị lại báo lượng Natri vượt ngưỡng…
Ông Nguyễn Hùng Long đưa ra khuyến cáo: Các thiết bị test nhanh, nếu không được kiểm tra và bảo dưỡng đúng cách thì sẽ cho kết quả sai lệch. Với thiết bị nói trên, dù kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng Nitrat ở ngưỡng "ổn" thì điều đó cũng không bảo đảm thực phẩm là an toàn, bởi còn nhiều loại hóa chất độc hại khác như kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, nhất là hàng nghìn loại thuốc trừ sâu mà thiết bị không thể kiểm tra được. Dù thế nào, kết quả thu được từ bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm cũng chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, còn để khẳng định đạt hay không đạt thì cần phải có các thử nghiệm tiếp theo trong phòng thí nghiệm.
Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn nữa nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm trước khi chúng được đưa ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng những loại máy móc, thiết bị nào đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.