(HNM) - Điều chỉnh đối tượng kê khai tài sản, mở rộng cơ quan giám sát; xây dựng liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là những điểm mới quan trọng của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới nhất.
Siết chặt các quy định về phòng, chống tham nhũng
Theo Thanh tra Chính phủ, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Việc kê khai tài sản cần được giám sát chặt chẽ, bảo đảm sự chính xác, minh bạch. |
Lần sửa đổi này, Chính phủ xác định, nhiệm vụ chính của Luật Phòng, chống tham nhũng là tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng. Trên cơ sở đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng xây dựng chế độ liêm chính, trong đó quy định quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đáng chú ý là quy định, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí người thân đảm nhiệm các vị trí về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; không bố trí người thân làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Quy định liên quan đến kê khai tài sản là vấn đề được nhiều thành viên Ban soạn thảo cho là “mấu chốt” của dự thảo luật. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận: Hạn chế của luật hiện hành là các quy định về minh bạch tài sản chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập, thiếu quy định về xử lý tài sản bất minh. Do đó, tại dự án Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhất, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập có sự điều chỉnh lớn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, không minh bạch hoặc khi có tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu mà không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập.
Dự án luật cũng siết chặt quy định cán bộ, công chức, viên chức sở hữu cổ phần trong doanh nghiệp. Cán bộ, công nhân, viên chức sẽ chỉ được sở hữu dưới 10% cổ phần của doanh nghiệp thay vì chỉ cấm thành lập, tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp như luật hiện hành.
Không chỉ kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức
Đánh giá, theo dõi biến động, kiểm soát tài sản, thu nhập là “bảo bối” quyết định hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp nên trước mắt giữ nguyên hoặc thu hẹp diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương và thuộc lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát hiệu quả hơn. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu bổ sung khi có đủ cơ sở thực hiện. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn trước quy định mới về trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; trong việc kiểm tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Bởi các cơ quan kiểm tra của Đảng hoạt động theo Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và tuân thủ pháp luật; có chức năng, quyền hạn tiến hành kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên theo Điều lệ Đảng; không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Chủ trương nhất quán của Đảng là Đảng lãnh đạo Nhà nước chứ không quản lý, làm thay. Nếu thực hiện sẽ cắt khúc việc quản lý nhà nước về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, xử lý hành vi tham nhũng, tài sản tham nhũng… cho hai loại cơ quan khác nhau: Cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng lo ngại về vấn đề kiểm soát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Văn Quyền đặt vấn đề, ở nhiều nước, tài sản của toàn xã hội được kiểm soát nên việc chuyển dịch tài sản giữa người này và người kia là có thể biết ngay. Trong khi đó, ở nước ta, việc kiểm soát tài sản của toàn xã hội chưa thực hiện được. Vì thế, phải có cơ chế kiểm soát tài sản của không chỉ cán bộ, công chức, viên chức mà còn đối với toàn xã hội. Nếu không thiết lập được một cơ chế kiểm soát như vậy thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.
Về mở rộng liêm chính đối với cán bộ là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, khi xây dựng các thể chế, cần tìm cơ chế kiểm soát vấn đề. “Người ta tham nhũng thì không bao giờ tự giác cả. Tôi thấy vắng bóng sự kiểm soát liêm chính” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.