Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mắt xích trọng yếu

Vân Khanh| 08/08/2011 06:49

(HNM) -

Từ một tập hợp chính trị gồm 5 thành viên trong ngày đầu thành lập, chủ yếu để ứng phó với những biến động của một giai đoạn mang nặng dấu ấn hệ tư tưởng, sau 44 năm, ASEAN hiện đã là một tổ chức gắn kết chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hội nhập thế giới.

Giờ đây, nhắc đến ASEAN là nói tới một thực thể thống nhất nhưng đa dạng với sự tham gia của 10 quốc gia trong khu vực. Sự liên kết rộng lớn những đất nước có trình độ phát triển và thể chế chính trị không giống nhau để cùng tạo thành một sức mạnh tổng hợp, phấn đấu cho mục tiêu phồn vinh và thịnh vượng chung là một trong những thành công nổi bất nhất của ASEAN suốt chặng đường 44 năm phát triển. Với cái bắt tay của 10 thành viên, sự khác biệt về quan điểm của các nước Đông Nam Á một thời đã được thay thế bằng mối quan hệ mới: hữu nghị, tin cậy, đoàn kết và cùng hướng tới tương lai. Trên tinh thần không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và nguyên tắc ra quyết định bằng đồng thuận, chủ trương gia tăng những lợi ích căn bản chung của ASEAN đã khiến Đông Nam Á những năm qua được nhắc tới như một khu vực của hòa bình, cởi mở, thân thiện và năng động nhất thế giới. Theo đuổi mục tiêu giải quyết bất đồng bằng thương lượng và hòa giải, Đông Nam Á đã không còn chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực lớn, góp phần đáng kể vào sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Không chỉ đề cao sự gắn kết nội khối qua đối thoại giữa lãnh đạo các nước thành viên và một loạt những văn bản và hiệp ước, ASEAN còn chủ động, sáng tạo và tích cực thúc đẩy hợp tác với những cơ chế đặc biệt như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, ADMM+ và Cấp cao Đông Á (EAS)… nhằm xây dựng lòng tin, ứng phó hiệu quả với các thách thức truyền thống và phi truyền thống đang đặt ra vì đích đến lớn nhất là bảo vệ hòa bình và an ninh cho từng quốc gia và cả khu vực.

Sự kiện ASEAN và Trung Quốc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố của các bên liên quan về ứng xử ở Biển Đông (DOC) được xem là một khởi đầu tốt đẹp, làm dịu sức nóng từ mối căng thẳng giữa các bên liên quan đến con đường hàng hải quốc tế trọng yếu của khu vực và thế giới trên biển Đông. Dù còn nhiều việc phải làm, song với sự đồng lòng và những chính sách mềm dẻo nhưng kiên quyết, người dân Đông Nam Á tin rằng bước quan trọng vừa đạt được sẽ dẫn tới việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để mang lại hòa bình, chủ quyền và an ninh hàng hải tại biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Sự gắn bó ngày càng chặt chẽ cũng thể hiện rõ trong hợp tác kinh tế được xem có bước nhảy vọt giữa các thành viên ASEAN thời gian qua. Cơ bản hoàn tất các cam kết về hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), kim ngạch nội khối hiện đạt khoảng 300 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của khu vực, ASEAN vẫn đang tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia nhằm hướng tới một cộng đồng kinh tế chung thịnh vượng và mạnh mẽ. Trong một thời đại mà tiềm lực kinh tế quyết định tiếng nói chính trị, các lãnh đạo hiệp hội đã đề ra những ưu tiên tự do hóa giữa các nền kinh tế, nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của ASEAN nhằm duy trì vai trò đầu tàu của khối trong cấu trúc khu vực Đông Á rộng lớn.

Hợp tác ASEAN luôn là một ưu tiên trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta để cùng các thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, phát huy thành tựu đối ngoại được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong năm đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, ngày càng có vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Sau 44 năm thành lập, ASEAN đang trở thành một tổ chức hợp tác thành công nhất của các nước đang phát triển theo mô hình bình đẳng giữa các quốc gia. Phát huy những lợi thế địa - chính trị và ứng biến trong các mối quan hệ nội khối cũng như với các quốc gia khắp thế giới, ASEAN đã và đang trở thành một thực thể quan trọng, một đối tác chính trị, an ninh, kinh tế và một mắt xích trọng yếu trên vành đai châu Á - Thái Bình Dương và ngày càng tỏ rõ vị thế quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mắt xích trọng yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.