Thịt lợn xay, cua xay, thịt bò thái sẵn… được đông đảo người tiêu dùng chọn lựa bởi sự tiện dụng chúng mang lại.
Xô nước rửa cua đục ngầu và chỉ được rửa duy nhất một lần
Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các sản phẩm này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế.
Tại các chợ thực phẩm ở Hà Nội như chợ Dịch Vọng, chợ Cầu Giấy, chợ Bưởi, chợ Cổ Nhuế... và các địa điểm họp chợ gần khu đông dân, các quầy thực phẩm trang bị những chiếc máy xay thịt, cua…ngay tại chỗ phục vụ cho khách mua hàng. Tuy nhiên, quá trình sơ chế các thực phẩm này không hề đảm bảo vệ sinh.
Chỉ nhúng nước rồi cho vào xay
Chị Nguyễn Thị Huyền (Cổ Nhuế, Từ Liêm) cho hay, chị đã từng đi mua thịt lợn xay xẵn ở chợ. Ở đây chị đã tận mắt chứng kiến, khi cắt xong phần thịt khách đã chọn mua, người bán hàng chỉ việc nhúng qua thịt vào nước, sau đó cho lên máy xay. Khi thấy người bán hàng làm vậy, chị có phàn nàn thì họ nói “không chết được đâu mà sợ”.
Theo quan sát của PV, một số địa điểm bán thực phẩm nằm ngay cạnh đường lớn, nơi có nhiều xe cộ qua lại. Hàng ngày, bụi bẩn ở bên đường gây ô nhiễm, làm thực phẩm mất đi sự tươi ngon. Mặc dù biết vậy song nhiều người bán hàng không hề trang bị vật dụng để che đậy, làm thực phẩm bị ô nhiễm.
“Nhúng qua nước là còn may, hôm trước đi mua thịt xay, thấy mình không để ý, chị bán hàng cho vào xay luôn không cần rửa. Mình nhìn thấy hoảng hồn, chị bảo “thịt sạch mà, không cần rửa”. Mình nhất quyết không đồng ý thì chị ấy cầm miếng thịt, thả vào xô nước bẩn đầy mỡ màng rồi cho vào xay” – Thu Hường, một người dân sống tại khu vực Cầu Giấy cho biết.
Một xô nước được dùng để rửa thịt cho rất nhiều lần khác nhau. Mỗi khi có khách mua hàng yêu cầu xay thịt, các chị bán hàng cứ việc thả thịt vào trong xô, coi như đã rửa rồi cho ra xay.
Chiếc máy xay thịt cũng không hề đảm bảo vệ sinh, nó được dùng đi dùng lại rất nhiều lần mà không hề được lau rửa hay che đậy. Chiếc máy này luôn trong tình trạng bám đầy thịt dính lại sau lần xay thịt trước đó.
Thịt xay thực ra hoàn toàn không tốt vì nó dễ dàng bị nhiễm các loại vi trùng từ máy xay, đặc biệt là khi bạn mua thịt xay ở chợ, một máy xay có thể xay rất nhiều thịt. Hơn nữa, quy trình chế biến thịt để xay ở chợ không hợp vệ sinh.
Không chỉ thịt lợn, các mặt hàng thủy, hải sản như tôm, cua, ốc, cá… cũng sẵn sàng được sơ chế khi khách hàng yêu cầu. Đáng chú ý là cách sơ chế cua. Những con cua được đặt ở trong chậu, cả những con còn sống và những con đã chết. Khi mua hàng khách sẽ chọn cua, cho vào một cái xô. Tiếp đó, người bán hàng sẽ đổ nước vào xô đựng cua, xóc qua rồi gạn bỏ nước. Số cua trong xô được nhanh chóng bỏ mai, lấy gạch và cho vào máy xay xay nhuyễn. Điều đáng nói ở đây là, số cua bẩn chỉ được xóc qua một lần nước rồi nảy gạch và cho vào máy xay. Nước rửa cua thường đục ngầu bùn đất.
Thịt bò được thái mỏng để trong khay nhôm hoặc đĩa nhựa, chỉ cần khách hỏi mua là lập tức có hàng. Đa phần những người mua hàng không để ý đến việc vệ sinh thịt bò trước khi thái, chỉ thấy thịt đỏ tươi, nhìn ngon mắt là mua ngay. Ít ai biết rằng trước khi thái thịt bò, nhiều người bán hàng thậm chí không rửa qua thịt bò.
Thịt bò thái sẵn, thịt lợn xay và cả cua xay đều là thực phẩm đã qua sơ chế và không thể vệ sinh lại trước khi nấu. Thường những miếng thịt bày bán ở chợ nhìn rất ngon mắt vì đã được chủ hàng lau qua bằng một mảnh vải (chuyên dùng để lau thịt). Chính vì thế nó đã qua mắt được người tiêu dùng khiến họ tin tưởng vào độ an toàn của loại thịt mà mình mua. Tuy nhiên, liệu rằng những miếng thịt này có thực sự “an toàn” khi chỉ được nhúng qua nước rồi cho lên xay?
Biết bẩn mà vẫn mua
...rồi cho vào máy xay ngay ở chợ
Hiện nay, hầu hết các hàng bán thịt và thủy sản đều trang bị cho mình một máy xay thịt tại chỗ (máy xay thủ công hoặc xay bằng máy) để phục vụ khách. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được thời gian, công sức khi chế biến món ăn. Tuy nhiên, thực phẩm đã xay sẵn hoặc thái sẵn ở chợ không đảm bảo vệ sinh.
Điều quan trọng là khi mua thịt, cua… người mua hàng sẽ được xay miễn phí. Mặc dù vậy, các quầy hàng vẫn cứ sắm máy xay để phục vụ các “thượng đế”, nếu không họ sẽ bị cạnh tranh từ các quầy khác.
Về phía người tiêu dùng, đặc biệt là sinh viên không có phương tiện để xay thực phẩm đã chọn thịt xay sẵn, thủy sản ở chợ để chế biến món ăn. Vừa không mất tiền xay lại vừa không mất công sức khiến nhiều người không ngần ngại tìm đến những mặt hàng này.
Nhiều người vì quá bận công việc, không có nhiều thời gian dành cho việc bếp núc cũng chọn cách này để tiết kiệm thời gian.
Bác Hồng (Dịch Vọng – Cầu Giấy) cho biết: “Thịt mà xay sẵn thế này thì tiện quá còn gì, bẩn thì bẩn nhưng nấu lên vi trùng vi khuẩn nó cũng chết hết rồi, việc gì mà phải lo".
Không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn không hợp vệ sinh mua ở chợ. Khi ăn phải đồ ăn bẩn sẽ bị đau bụng, rối loạn đường tiêu hóa, thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời có nguy cơ dẫn tới tử vong.
Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn cho gia đình mình những thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo số liệu của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế thì trong năm 2011 toàn quốc ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.500 người mắc, trong đó hơn 80% phải đi viện. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính là vi sinh vật (gây ra 40 vụ, chiếm 28,1%) và độc tố tự nhiên (38 vụ, chiếm 26,8%)....
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.