Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất vệ sinh, ATTP tại các chợ trên địa bàn Hà Nội: Tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục kịp thời

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 22/02/2020 06:45

(HNM) - Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng kinh doanh mất vệ sinh và an toàn thực phẩm. Dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành tăng cường, song việc chấn chỉnh, khắc phục vi phạm vẫn cần tiếp tục được thực hiện nghiêm, hiệu quả hơn nữa thời gian tới...

Giết mổ gia cầm ngay dưới nền tại nhà A23 Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tái diễn mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày 14-2-2020, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã có Công văn số 146/BCĐ389/TP-CQTT về triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 và phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới những ngày qua tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, vẫn có nhiều tiểu thương chủ quan, không thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Sáng 18-2, tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), còn rất nhiều quầy bán thịt lợn sử dụng bìa các tông để bày hàng. Tại các quầy thủy, hải sản, dù hàng hóa được đặt cao hơn so với nền chợ, nhưng dưới nền chợ nước chảy lênh láng... Tương tự, tại chợ Long Biên (quận Ba Đình), vẫn còn một số gian hàng kinh doanh thủy sản và trái cây nằm gần nhau. Một số hộ kinh doanh vẫn chưa trang bị giá kệ, mà sử dụng các vỏ thùng xốp, thùng nhựa để tạo khoảng cách với nền chợ.

Còn chợ tạm tại khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chiều 18-2, phóng viên nhận thấy cá tươi sống được bày ngay trên các khay nhôm đặt kín vỉa hè; nước làm cá được dội thẳng xuống lòng đường. Đến gian hàng bán gà, phóng viên hỏi mua, một phụ nữ tên Nguyễn Thị D. (không đeo khẩu trang) dẫn vào phòng 101, nhà A23 Nghĩa Tân, với nhiều chim bồ câu, gà, ngan... tươi sống; mọi hoạt động đều được thực hiện ngay dưới nền nhà. Chị D. cho biết: “Mọi khi em vẫn bày hàng ở vỉa hè, nhưng từ khi có dịch Covid-19, Ban Quản lý chợ không cho bán nên phải giấu vào đây”.

Tương tự, tại các chợ tạm, chợ "cóc": Chợ Vồ (quận Hà Đông), Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm)... tình trạng nước, rác thải từ các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống bị vứt bừa bãi, chất đống trên vỉa hè, lòng đường khá phổ biến.

Nói về nguyên nhân của tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều chợ, ông Nguyễn Việt Long, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Hà Đông cho biết: Do một số chợ trên địa bàn đã xuống cấp; ý thức chấp hành pháp luật của tiểu thương còn nhiều hạn chế; việc lưu trữ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ chưa được quan tâm, trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen thích mua gia cầm tươi sống.

Theo ông Hồ Trọng Thắng, Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), do đặc thù nhiều gia đình có cửa hàng mặt đường nên biến thành tụ điểm kinh doanh tự phát. Vì vậy, dù lực lượng chức năng phường thường xuyên nhắc nhở, xử phạt nhưng vi phạm vẫn tái diễn.

Xử lý phải đồng bộ  

Nước đổ ngay dưới nền chợ Phùng Khoang, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ diễn ra lâu nhưng hầu như chưa được khắc phục triệt để. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đều đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đặc biệt cấm giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các chợ, phun thuốc khử trùng, tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn dễ dàng bắt gặp ở nhiều khu chợ.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, chỉ riêng ông Vũ Xuân Thăng, Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất, đơn vị quản lý chợ Phùng Khoang thừa nhận, việc các tiểu thương xả nước thải xuống nền chợ là đúng và vẫn khẳng định, 100% bàn bán thịt lợn, gia cầm tại chợ là inox, đúng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm? Còn ban quản lý các chợ khác đều cho rằng, những chợ phóng viên nêu là chợ "cóc", chợ tạm, việc quản lý là của chính quyền địa phương.

Thừa nhận trách nhiệm trong việc quản lý chợ tạm thuộc thẩm quyền của UBND phường, ông Lâm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, từ ngày 31-1 đến nay, UBND phường xử lý 13 hộ vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tiêu hủy 27kg gia cầm tươi sống. Về trường hợp vi phạm như phản ánh của phóng viên, UBND phường sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, thời gian qua quận đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc... Còn ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định, UBND quận đã yêu cầu tiểu thương ở chợ “cóc”, chợ tạm khi kết thúc việc bán hàng phải quét dọn chợ, hỗ trợ các đơn vị phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán sản phẩm động vật...

Với thực tế này, việc vi phạm an toàn thực phẩm ở nhiều chợ dân sinh sẽ khó có hồi kết khi việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, ban quản lý các chợ phải có sự phối hợp chặt chẽ, việc xử lý phải đồng bộ chứ không thể "mạnh ai nấy làm" hay chỉ làm theo các kỳ cuộc, những lần ra quân. Trước mắt, việc mất an toàn thực phẩm nêu trên cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời để góp phần ngăn chặn dịch Covid-19. Về lâu dài, mỗi địa phương phải có kế hoạch cụ thể để xử lý dứt điểm những vi phạm trên nhằm tạo dựng nét văn minh thương mại cho toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất vệ sinh, ATTP tại các chợ trên địa bàn Hà Nội: Tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.