Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mặt trái của kinh doanh quốc tịch

Quang Huy| 28/08/2016 06:56

(HNM) - Quốc tịch là quyền lợi ai cũng sẽ nhận được khi ra đời trong lãnh thổ nước đó. Nhưng đôi khi, chỉ cần có tiền, bạn có thể mua được quyền này.

Nhiều năm trở lại đây, dịch vụ kinh doanh quốc tịch đang ngày càng nở rộ, khi mà các quốc gia cho phép người nước ngoài có cơ hội trở thành công dân, các chương trình kinh tế, khoản đầu tư được sử dụng để đổi lấy quốc tịch.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), xu hướng này đang phát triển rất nhanh chóng trong bối cảnh môi trường địa chính trị hiện tại khuyến khích nhiều người tìm kiếm những “hầm trú ẩn an toàn cả về chính trị lẫn kinh tế” hay đơn giản hơn là tìm một nơi để cất giấu tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thuế. Một số quốc gia đã cung cấp các chương trình này từ khá lâu. Ví dụ, quốc đảo St Kitts and Nevis đã có dịch vụ bán quốc tịch từ năm 1984. Nhiều quốc gia lớn khác như Mỹ và Anh cũng đã có chương trình tương tự từ đầu những năm 1990 trong khi các nước Châu Âu mới áp dụng mấy năm gần đây.

Việc "mua bán" cũng khá đơn giản. Người mua sẽ đầu tư hay đóng góp một khoản tiền nhất định và họ sẽ có quốc tịch sau một thời gian cụ thể tùy theo quy định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, giá cả để mua tấm giấy công nhận quốc tịch cao thấp không giống nhau. Lựa chọn rẻ nhất là Dominica, nơi bạn có thể trở thành công dân với một khoản đầu tư tối thiểu 100.000 USD (chưa bao gồm phí) và qua một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, số tiền này có thể lên tới 500.000 USD như ở Mỹ hay 1 triệu bảng tại Anh. Đặc biệt, đối với Pháp, khách hàng phải móc hầu bao tận 10 triệu euro. Chưa hết, sau khi đóng một khoản tiền người mua còn phải trải qua các cuộc phỏng vấn và phải sinh sống trên quốc gia đó trong nhiều năm. Quốc gia càng ở các nền kinh tế phát triển thì điều kiện sẽ càng khó khăn. Như ở Mỹ hay các nước Châu Âu, người mua buộc phải sinh sống 185 ngày mỗi năm tại nước muốn lấy quốc tịch trong vòng 6 đến 7 năm.

Câu hỏi đặt ra là các quốc gia cung cấp dịch vụ này sẽ có được lợi ích gì? Đối với các quốc gia nhỏ như Dominica, Malta, St Kitts and Nevis, việc chấp nhận bán quốc tịch cho người nước ngoài sẽ giúp chính phủ các nước này nhận về những khoản tiền mặt rất lớn giúp tăng trưởng kinh tế cũng như tăng đầu tư lâu dài giống như một dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đơn cử như ở quốc đảo St Kitts and Nevis, dòng vốn mà chương trình công dân kinh tế đóng góp cho khu vực công đã tăng trưởng gần 25% trong năm 2013. Trong khi đó, dòng vốn từ ngành kinh doanh quốc tịch chiếm 13% lượng vốn FDI đổ vào Italia năm 2014. Cách đây 2 năm, công ty chuyên cung cấp dịch vụ này là Henley & Partners ước tính mỗi năm nhà đầu tư trên toàn thế giới chi ra 2 tỷ USD để mua quốc tịch. Điều này cho thấy nguồn vốn khổng lồ được đổ về các quốc gia này.

Về phần khách hàng, bỏ tiền ra mua quốc tịch sẽ giúp họ có được tất cả lợi ích của một công dân thứ thiệt khi có quyền đưa cả gia đình đến định cư vĩnh viễn ở những nước họ nhắm đến, thậm chí ở các quốc gia phát triển như Anh, Australia, Mỹ. Môi trường ổn định, nền kinh tế - xã hội phát triển cũng chính là ước mơ của rất nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, một số quốc tịch sẽ giúp cho khách hàng có thể đi du lịch mà không cần thị thực. Một ví dụ đơn giản là vì Malta - một thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), các Hiệp ước tự do đi lại của EU cho phép các công dân Malta sống, làm việc và học tập tại bất kỳ quốc gia nào trong khối và Thụy Sĩ. Đồng thời, Malta là thành viên của khối Schengen (2007) nên công dân Malta có thể tới 26 quốc gia Châu Âu mà không cần qua kiểm soát biên giới.

Tuy nhiên, chương trình này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Năm 2014, doanh thu từ bán quốc tịch của quốc đảo St Kitts and Nevis bị sụt giảm mạnh sau khi có những cảnh báo cho thấy nhiều doanh nhân làm ăn bất chính đã dùng tiền mua quốc tịch của quần đảo để trốn tội ở nước sở tại. Ngoài ra, việc mua quốc tịch cũng là một cách để giới nhà giàu trốn thuế hợp pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt trái của kinh doanh quốc tịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.